Đủ thứ bệnh về da
BS Đinh Doãn Thạch – Phó phụ trách Khoa Điều trị tổng hợp cơ sở 2 (Bệnh viện Da liễu Hà Nội) cho hay, dù các hồ bơi được thay nước trung bình 2 lần/ngày nhưng nguy cơ mắc bệnh về da liễu là rất lớn. Bởi mùa hè bể bơi thường quá tải, và hầu như không có biện pháp nào để phân biệt giữa người mắc bệnh về da với người bình thường.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc mắc các bệnh về da khi đi bơi là do nước có nhiều hóa chất, nước hồ bơi bị nhiễm vi khuẩn do khách bơi mắc bệnh về da lây lan cho người bình thường.
Các bệnh da liễu dễ mắc khi đi bơi là viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông… với những biểu hiện có thể gặp tức thì như ngứa, sần sùi nốt đỏ, đau rát. Những người bị lang ben, nấm da hay bị các bệnh truyền nhiễm khác thì bể bơi là môi trường thuận lợi để bệnh lây lan.
“Nhiều người đi bơi mắc các bệnh nhiễm trùng da, viêm da, nặng thì nấm kẽ. Bệnh thường xuất hiện sau 5-7 ngày kể từ khi đi bơi với các biểu hiện ngứa, viêm loét, chảy nước, đau tại các vị trí tổn thương như kẽ chân, móng tay chân... Ngoài ra, việc tắm lúc trời đang nắng gắt còn có thể mắc một số bệnh như tàn nhang, nám, mụn, viêm da ánh sáng, lupus ban đỏ...”, BS Đinh Doãn Thạch cho hay.
BS Huỳnh Huy Hoàng (Bệnh viện Da liễu TP HCM) cho biết, nguồn nước ở các bể bơi rất dễ bị ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh da rất cao nếu không có ý thức giữ vệ sinh chung. Viêm da tiếp xúc thường gặp ở vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, vùng nách, bẹn với biểu hiện da đỏ, ngứa, hay xuất hiện các mụn nước nhỏ lấm chấm. Lúc này nên tránh gãi, vì sẽ làm bội nhiễm khiến viêm da nặng hơn.
Ngoài ra, nhiều người do mải tắm mà quên đi cái nắng, tia cực tím sẽ làm khô bề mặt da, nặng hơn gây bỏng da, làm thay đổi sắc tố da khiến da xuất hiện các đốm tàn nhang, các nếp nhăn, mau lão hóa da. Một số hóa chất trong nước hồ bơi có đặc điểm hấp thu ánh nắng rất mạnh, dễ làm cho da bị đen sạm, bong da nếu nằm phơi nắng lâu mà không có biện pháp dự phòng thích hợp.
Cách bảo vệ làn da
Để bảo vệ da, mọi người nên bôi kem chống nắng có công dụng không thấm nước. Nếu bơi ngoài trời, cứ nửa tiếng bơi lại thoa một lần. Nên thoa kem chống nắng toàn thân loại SPF 50 trước 20 phút. Nếu bơi trong nhà, có thể dùng các loại kem dưỡng thể.
Để tránh mắc bệnh về da, sau khi đi bơi cần vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước sạch với dầu gội, sữa tắm trung tính. Sau khi bơi da dễ bị khô, người đi bơi nên dùng các loại kem giữ ẩm để chống khô da.
“Không ít người có thói quen đến hồ bơi xong để nguyên quần áo ướt như thế về nhà mới tắm lại. Điều này không nên mà nên tắm ngay bằng nước sạch với dầu gội, sữa tắm dưỡng ẩm. Khi đã mắc viêm da sau bơi cần đi khám da liễu và mua thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chứ không nên tự ý bôi thuốc. Trường hợp da bị ngứa, cần tránh gãi nhiều vì có thể bị bội nhiễm làm cho bệnh viêm da nặng hơn”, BS Đinh Doãn Thạch khuyến cáo.
“Mọi người nên đi bơi sớm vào lúc 5 - 7 giờ hoặc 17 - 19 giờ là tốt nhất. Thời điểm này vừa mát, tránh được nắng. Tránh bơi lúc quá nắng (giữa trưa) bởi dễ bị cảm nắng. Đeo kính bơi, mũ bơi để bảo vệ tóc và mắt. Với trẻ em tập bơi tốt nhất là vào lúc 7 - 9 giờ sáng mỗi ngày và nhất thiết phải cho các em vận động các khớp tay, chân cẩn thận trước khi xuống nước. Cũng không nên bơi quá lâu dễ làm lớp bảo vệ da mất đi, tốt nhất bơi khoảng 1 giờ trở lại”.
BS Đinh Doãn Thạch