Tranh giả - tranh thật: Hội đồng thẩm định cần có phẩm cách

TP - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới đổi tên thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh được xem như tín hiệu đáng mừng, trong bối cảnh “cuộc chiến” phân định tác phẩm thật-giả nhức nhối thời gian qua.
Nhà đấu giá Chọn phải lên tiếng xin lỗi vừa đưa lên sàn đấu giá tác phẩm giả mạo chữ ký của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương

Nhờ cậy máy móc

Còn nhớ hồi tháng 3, một loạt vụ làm giả, làm nhái tranh xuất hiện tràn lan khiến một nhóm hoạ sĩ và giới phê bình mỹ thuật ngồi lại với nhau bàn giải pháp, trong đó có nhắc tới sự cần thiết một trung tâm thẩm định tranh. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng khi ấy nói rằng không nên trông đợi ở nhà nước, chuyện thẩm định tranh là việc của từng bảo tàng, cá nhân sưu tầm tranh. Sau đó Bộ VHTTDL có quyết định đổi tên Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm mới ký quyết định về việc ban hành Quy chế hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, có hiệu lực từ 1/10/2018. Theo đó Trung tâm có chức năng giám định việc sao chép tác phẩm, xác định bản quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh. Các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu giám định tác phẩm để công bố, phổ biến, triển lãm, kinh doanh, đấu giá tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đều có thể tìm đến Trung tâm như địa chỉ tin cậy. Nguyên tắc giám định được nêu rõ: Tuân thủ pháp luật, trung thực, khách quan, chính xác, hoạt động giám định là dịch vụ công theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Kết quả giám định là kết luận về chuyên môn, về tác giả trong phạm vi nội dung được yêu cầu giám định. 

Ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh cho biết đang gấp rút hoàn thiện bộ máy: “Chúng tôi còn một số việc cần làm, trong đó có việc chờ ký hợp đồng nguyên tắc với Bộ Công an. Trường hợp dễ, có thể chỉ cần hội đồng giám định là kết luận được. Trường hợp khó, cần xác định bằng máy móc khoa học thì chúng tôi nhờ Bộ Công an hỗ trợ”.

Để hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động Trung tâm cũng đang trong quá trình nghiên cứu, bàn bạc và xin ý kiến chuyên gia, Bộ VHTTDL để đưa ra biểu phí. Biểu phí rất khác nhau, tuỳ thuộc mức độ của tác phẩm khi đem đến đặt vấn đề, một tác phẩm khác với một lô tác phẩm cũng như mức độ khó, dễ khác nhau. “Biểu giá thực chất theo tinh thần phục vụ hoạt động của ngành. Chúng tôi làm theo chức năng, trách nhiệm để thị trường Việt Nam có đầy đủ yếu tố cần để phát triển, mang tính chất cống hiến cho xã hội chứ không phải dịch vụ để tính lãi như ngành nghề khác”, ông Dương nói.

Phẩm cách chuyên gia


Giúp việc cho Trung tâm chính là ba hội đồng thẩm định, trong đó họa sĩ Lương Xuân Đoàn đứng đầu Hội đồng giám định tác phẩm hội họa, đồ họa, PGS Vương Học Báo đứng đầu Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, nghệ sĩ Vũ Quốc Khánh đứng đầu Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi hội đồng có số thành viên lẻ từ 5-11 người. Thành viên cần có kinh nghiệm hoạt động chuyên ngành từ 10 năm trở lên, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. 

Trước ý kiến cho rằng nên chuyển hoạt động giám định này ra khu vực tư nhân, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nêu ý kiến cần thận trọng bởi bối cảnh nghệ thuật ở Việt Nam không đơn giản, văn hoá doanh nhân và doanh nghiệp còn phải bàn nhiều: Doanh nhân yêu cầu nghệ sĩ ký tên vào tranh kết liễu tác phẩm, nhà đấu giá tư nhân đưa tranh giả, tranh nhái lên sàn đấu giá như cơm bữa…

Nếu ở một số nhà đấu giá tư nhân mới nổi gần đây đều nói rằng tranh đưa ra đấu giá đều qua hội đồng thẩm định, danh tính phải giấu biệt đi vì sự an toàn của họ. Tuy nhiên hội đồng ở Trung tâm Giám định này được công khai. “Nếu ở hội đồng giải thưởng cần 2/3 hội đồng nghệ thuật đồng ý là được công nhận kết quả, hội đồng này phải 100% ý kiến đồng ý mới được coi là ý kiến chính thức của hội đồng. Chỉ cần một người ngần ngừ không dám chịu trách nhiệm là chưa thể kết luận. Mỗi thành viên nhận lời phải chịu trách nhiệm về phẩm cách cá nhân, chưa cần bàn năng lực chuyên môn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói. Hỏi ông có áp lực gì không, ông nói thẳng không có gì gọi là áp lực, bởi dù gánh nặng đặt trên vai những thành viên hội đồng là có thật nhưng dám nhận lời, dám chịu trách nhiệm.

Đây không phải lần đầu tiên một trung tâm thẩm định mỹ thuật ra đời, trước đó trung tâm này từng tồn tại ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tuy nhiên không ai gõ cửa, phần khác cũng vì chưa đủ điều kiện hoạt động. Ông Ngô Quang Dương phân tích thêm, hồ sơ đề nghị giám định phải tuân thủ quy chế, đầy đủ căn cứ chứng minh xuất xứ tác phẩm. “Tranh tác giả đang sống dễ hơn, tranh tác giả mất rồi khó hơn cần can thiệp bằng máy móc, tuy nhiên cũng có những trường hợp không trả lời rõ ràng được việc ấy. Vừa rồi chúng tôi khảo sát một số trung tâm ở Hàn Quốc, ở đó cũng có trường hợp không thể kết luận được đó là tranh thật-giả”, ông Dương nói.

Trung tâm trước kia ở Bảo tàng Mỹ thuật “vắng như chùa Bà Đanh”, nhiều người băn khoăn liệu điều gì đảm bảo cho Trung tâm này hoạt động hiệu quả hơn. Giám đốc Ngô Quang Dương thừa nhận Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, nhiếp ảnh ra đời mang tính phòng ngừa nhiều hơn. “Nhu cầu trong giới là có thật, tuy nhiên nhiều khi không có người ta kêu thiếu, nhưng khi có trung tâm lại chẳng ai đến. Người sở hữu tranh thật cần gì đi đánh giá, người có tranh giả không dại gì đem đến giám định tranh giả. Người ngay không cần rồi, kẻ gian lại càng chẳng dại gì tìm đến, tuy nhiên tôi nghĩ trung tâm sinh ra chính là yếu tố cần, đảm bảo cho thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển”, ông Dương nói.

Các trường hợp muốn giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cũng cần tuân thủ theo quy chế, theo đó hồ sơ cần văn bản đề nghị, tác phẩm yêu cầu, các tài liệu liên quan chứng minh về tác phẩm, tác giả yêu cầu giám định. Sau 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Trung tâm đồng ý hoặc không đồngý bằng văn bản việc thụ lý hồ sơ giám định.
Ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nói kết luận của hội đồng mang tính chất chuyên môn, không có chức năng xử lý khiếu kiện. “Tranh bán là hàng hoá nghệ thuật nên khi xảy ra tranh chấp phải gửi tới Quản lý thị trường giải quyết”, ông Dương nói.