Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng – Lưu ý nào cho các bên?

Tranh chấp về hợp đồng thi công xây dựng là một trong những loại tranh chấp phổ biến trong lĩnh vực xây dựng, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Các tranh chấp thường gặp như: tranh chấp về việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, tranh chấp về phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng, tranh chấp liên quan đến bảo hiểm công trình hay giám định chất lượng công trình….

Vậy, các bên cần ứng xử như thế nào khi đối diện với những tranh chấp này? Đâu là lưu ý cho các bên trong việc soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng thi công xây dựng? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Lê Nết - Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Xin chào Tiến sĩ, Luật sư Lê Nết!

PV: Thưa Ông, từ thực tiễn hoạt động tư vấn pháp lý, Ông có thể cho biết, đâu là những tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng?

Tranh chấp trong hợp đồng xây dựng rất đa dạng, tuy nhiên thông thường có thể chia ra thành ba loại: Tranh chấp về mặt thời gian, tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán và tranh chấp về chất lượng thi công công trình.

Tranh chấp về thời gian, đơn cử như tranh chấp về việc chủ đầu tư chậm tiến độ phê duyệt lệnh thay đổi hay bàn giao mặt bằng dẫn tới công việc chậm tiến độ. Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán có thể liên quan tới giá trị của một hạng mục công việc chưa được các bên thỏa thuận nhưng phát sinh trong quá trình thực hiện. Tranh chấp về chất lượng thi công công trình có thể ví dụ như tranh chấp về chất lượng công trình có tốt hay không, có đạt tiêu chuẩn hay không, hay tranh chấp về bảo hành…vv

PV: Vậy, nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp này là gì, theo ông?

Có rất nhiều lý do dẫn tới tranh chấp. Ví dụ như tranh chấp về thời gian. Nếu xảy ra tình huống chủ đầu tư chậm phê duyệt công việc bổ sung hay chậm bàn giao mặt bằng thì nhà thầu sẽ khiếu nại, vì họ không thể đảm bảo tiến độ. Họ không thể chịu phạt tiến độ vì lỗi của chủ đầu tư. Mỗi ngày chờ họ lại phát sinh chi phí, chi phí chuyên gia, chi phí quản lý, chi phí cho nhà thầu phụ…

Những tranh chấp này thường xuyên xảy ra, nhất là với chủ đầu tư là cơ quan Nhà nước hay dự án sử dụng vốn Nhà nước. Mọi phê duyệt của chủ đầu tư trong các dự án này đều liên quan đến nhiều luật khác nhau như Luật Kiểm toán, Luật Thanh tra, Luật Xây dựng và có các quy định đặc thù như định mức, đơn giá… Thông lệ cũng là phải xin ý kiến Bộ Ngành nhiều, dẫn tới chậm trễ trong việc trả lời cho nhà thầu.

Bên cạnh đó, các mẫu hợp đồng thông dụng trong các dự án lớn cũng có nhiều quy định vênh với quy định pháp luật Việt Nam hay thực tiễn thực hiện hợp đồng. Ví dụ, việc đánh giá khiếu nại của nhà thầu trong mẫu hợp đồng FIDIC thông thường chỉ cần một chỉ đạo từ tư vấn giám sát hay kỹ sư. Tuy nhiên các chủ đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt nếu dự án dùng vốn Nhà nước, sẽ không thể thực hiện đơn giản như vậy được.

PV: Để hạn chế những tranh chấp này, ông có khuyến nghị gì cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, nhất là trong bối cảnh các hợp đồng thi công xây dựng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 như hiện nay, thưa ông?

Thứ nhất, cần có mẫu hợp đồng chuẩn. Ví dụ, mẫu hợp đồng FIDIC, hợp đồng NEC đều là các mẫu hợp đồng chuẩn xây dựng cho các dự án quốc tế lớn.

Thứ hai, khi đã lựa chọn được mẫu hợp đồng rồi thì cần xem xét các quy định của hợp đồng có phù hợp với dự án cụ thể hay không. Nếu không phù hợp thì cần thuê tư vấn chỉnh sửa lại hợp đồng đó. Nếu dùng mẫu FIDIC, thông thường các bên sẽ không sửa điều kiện chung nhưng sẽ quy định chi tiết trong bản điều kiện cụ thể. Trong bản điều kiện cụ thể cần quy định tất cả các rủi ro có thể phát sinh trong khi thực hiện hợp đồng và phân chia rủi ro một cách hợp lý. Nếu đã nhìn ra rủi ro thì phải xử lý, vì không nhắc đến không có nghĩa là không xảy ra rủi ro. Nếu hợp đồng không quy định, khi xảy ra rủi ro sẽ rất dễ phát sinh tranh chấp.

Thứ ba, với các dự án lớn và kéo dài, tôi cho rằng có thể xem xét lập một Ban xử lý tranh chấp (DAAB) để hỗ trợ giải quyết cụ thể các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, tránh để tranh chấp bị đẩy ra trọng tài hay tòa án. Pháp luật Việt Nam đã có quy định về Ban xử lý tranh chấp tại Điều 46 Nghị định 37/2015/NĐ-CP. Thế nhưng, cần lưu ý rằng quy định đang coi quyết định của Ban xử lý tranh chấp là quyết định mang tính hòa giải, điều này có thể không đúng bản chất. Tuy nhiên, nếu không phải là dự án sử dụng vốn Nhà nước thì Nghị định 37/2015/NĐ-CP chỉ khuyến khích sử dụng, không bắt buộc nên các bên có thể xem xét thành lập Ban DAAB theo đúng thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, cần có một phần mềm để quản lý hồ sơ, ghi nhận hồ sơ hay công văn đến, công văn đi, đảm bảo mọi công văn được trả lời đầy đủ. Việc quản lý hồ sơ tuy ít được nhắc đến nhưng trên thực tế là tối quan trọng để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên. Thông thường hợp đồng sẽ quy định đây là trách nhiệm của nhà thầu với sự phối hợp của tư vấn giám sát hay kỹ sư.

Xin cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!