Tranh cãi về cách đánh vần tiếng Việt ‘lạ’: Không lạ, hiệu quả?

TPO - Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ. Có ý kiến cho rằng, đây là 1 phương pháp thú vị và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có người nêu ý kiến, trong sách giáo khoa mới sắp tới phải có sự thống nhất.
Cô giáo hướng dẫn cách đánh vần lạ

Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip giáo viên tiểu học hướng dẫn phụ huynh có con học lớp 1 về chương trình dạy học Tiếng Việt Công nghệ. Theo đó, chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ” và thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Cách đánh vần này được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một cuốn khác là Tiếng Việt lớp 1 (gọi là bộ sách hiện hành).

Thú vị, không có gì là “lạ”

Được biết, cách đánh vần “lạ” này là theo tài liệu của Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Trao đổi với báo chí, Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới.

Được biết, CNGD được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục VN- Bộ GD&ĐT.

Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Năm học 2013-2014, có 37 tỉnh thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD nên Bộ GD&ĐT không gọi thí điểm nữa mà cho phép triển khai nếu địa phương có nhu cầu. Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ sách giáo khoa tiếng Việt CNGD.

Nhận xét về cách đánh vần “lạ” này là theo tài liệu của Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đây là phương pháp thú vị và hiệu quả.

Cũng theo TS Hương, cách đánh vần này không làm khó học sinh: “Học sinh học vần xong, sau đọc văn bản có đánh vần lại nữa đâu. Học sinh không cần đánh vần mà học luôn cũng được cơ mà. Ngay cả tiếng Anh dạy cho dân Việt Nam cũng có nhiều chương trình khác nhau. Nước nào chả nhiều mô hình/ chương trình trong giáo dục, mỗi Việt Nam là áp dụng một mô hình quá lâu thôi”- TS Hương nói.

Vẫn sẽ được “thừa nhận”?

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1, điều phối viên chính ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, thành viên ban phát triển chương trình môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho rằng, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, sách Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau.

“Chắc hẳn cuốn sách giáo khoa nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học. Hiện tại, nhiều tỉnh  đưa vào một số trường tiểu học ở địa phương mình.

“Tuy nhiên, đây không phải sách giáo khoa nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới”- GS Thuyết nói.

Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Vũ Kim Bảng (Viện Ngôn ngữ học) cho biết, có 2 điểm cần phải lưu ý.

Thứ nhất, giữa tên chữ cái và phát âm phải phân biệt với nhau. Ví dụ, /a/ thì vẫn phát âm là /a/ nhưng tên chữ cái /b/ thì phát âm là /bờ/. Hai cái này khác nhau.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Kim Bảng, điểm thứ 2 cần lưu ý, trong tiếng Việt chữ /c/ và chữ /k/ thì đều phát âm là /cờ/ thì được nhưng riêng chữ /q/ nhưng riêng chữ /q/ bao giờ cũng đi với chữ /u/ nên thông thường phát âm thành chữ /quy/ chữ không phát âm là chữ /cờ/. 

“Trong sách giáo khoa mới sắp tới phải phân biệt và làm rất rõ điều ấy. Tiếng Anh cũng thế, đọc tên của mình thì phải đọc tên của chữ cái chứ không đọc theo phát âm. Tiếng Việt phải phân biệt thế”- PGS Kim Bảng nhấn mạnh.