Trai nuôi vợ đẻ

Chung lưng đấu cật được một tuần thì bà nội yên tâm bàn giao bà đẻ cho thông gia, để về lo việc đồng áng và chăm đàn lợn. Hơn tuần sau thì nhận được tin ông ngoại ở nhà đang ốm, bà ngoại sụt sùi ra về, động viên các con chịu khó tự chăm nhau và thông cảm cho bố mẹ.
Ảnh minh họa

Mới cách đó có một tháng, sáng nào anh cũng đi sớm mười lăm phút ngồi “góp gió” với mọi người ở quán trà đá ngoài cổng công ty, giờ thì lâu lắm chẳng thấy mặt. Ai đó trêu “Vợ đẻ là việc của… vợ. Sao không chuyển phát nhanh ba mẹ con nó về quê đi còn tung hoành”. Anh cười: “Tại tôi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng giờ phải tự khắc phục chứ đùn cho ai được”.

May từ kinh nghiệm nuôi đứa lớn nên đứa này anh có phần tự tin hơn, không còn những nỗi sợ vô cớ, có thể chủ động lên lịch hoạt động, vận hành trơn tru.

Anh sắm một đôi găng tay để có việc gì chị cần mó nước thì dùng, anh dặn vợ đừng động vào nước lã, nhớ kiêng đủ một tháng cho lành và chỉ được rửa bát khi không còn bát nào để ăn. Đừng ngồi nhiều đau lưng, đêm dậy bất chợt thấy chị bế con anh lại mắt nhắm mắt mở “Đưa anh bế, em nằm nghỉ đi kẻo mỏi”.

Hôm chẳng biết ở nhà chị cố làm được những gì hay ăn cái gì lạ mà đêm ấy bỗng cạn sữa, thằng bé con làu nhàu mãi vì đói, anh cuống quýt pha cho mẹ cốc sữa đặc nóng để gọi sữa về, đồng thời pha cho con cốc sữa bột rồi vừa bế vừa bón, được một miếng tưởng nó nuốt thấy mừng mừng định bón thìa thứ hai thì nó đùn cả ra cổ ướt hết áo, lại phải thay. Ra là nó ngậm và nhất quyết không ăn sữa bột nên đấu tranh dữ dội, khóc ngằn ngặt làm náo loạn, khóc đến mệt quá thiếp đi, lúc tỉnh lại thì may sao sữa chị vừa về. Anh mệt mỏi đi nằm, bụng bảo dạ, thôi cố tí để mẹ nó còn nghỉ ngơi.

Cứ thế sáng anh bật dậy từ sáu giờ, nhanh tay cắm cơm hoặc xôi, đun nước nóng đầy hai phích để vợ dùng, rồi phi ra chợ mua thức ăn, tính toán sao cho đa dạng phong phú không bị trùng kẻo vợ ngán ăn ít, sữa ít thì gay. Anh nấu nướng chế biến sẵn để buổi trưa anh không về được thì vợ cũng chỉ việc bật bếp đun nhoắng phát là xong.

Bữa sáng sẵn sàng, anh gọi đứa lớn dậy, trong lúc nó đánh răng rửa mặt anh bày thức ăn ra cho con, trước khi đi làm thì gọi vợ dậy, có hôm đứa bé cứ ọc ạch anh phải bế cho chị ăn, vậy là bản thân còn chẳng kịp ăn sáng, vội đưa đứa lớn đi học còn ngoái lại bảo chị “Đến công ty ăn tạm gì đấy cũng được chứ sao”.

Chiều về anh đón con, tắm rửa cho nó, rồi thu dọn, rửa bát, bế đứa bé cho vợ đi thay quần áo, rồi mới nấu ăn tối.

Sau đó là phân loại quần áo để cho vào máy giặt, đồ mềm mỏng của em bé giặt riêng, đồng phục lao động giặt riêng, rồi thu quần áo khô gập cất gọn… Anh vừa làm vừa cười nhớ lại ngày trước về đến nhà cứ bầy ra một đống quần áo hôi ám, rồi thản nhiên lấy bộ sạch trong tủ ra dùng, như thể tự dưng chúng nhảy vào đấy cho mình.

Giờ đầu óc anh luôn phải linh hoạt tự biết sắp xếp việc nhà, dành ra một tối trong tuần đi siêu thị mua đồ, phải ghi lại xem ngoài bột canh ra còn thứ gì sắp hết mua luôn thể. Chú ý chọn hải sản và các thức ăn còn đổi món làm sao hợp khẩu vị cho mẹ và bé có đủ chất… tính xong xuôi cũng bạc cả tóc.

Nghĩ lại càng thương vợ hơn, lúc nào anh cũng nói, trước kia vợ anh đều đảm đương chu đáo được hết ngần ấy việc, giờ anh thay ca chút thì cũng đâu có gì đáng kể.

Con được ba tháng cũng là lúc anh sụt mất hơn ba cân, vất vả, gầy mòn có kém bà mẹ nuôi con mọn nào đâu. Anh cười, đó là cách anh chia sẻ với vợ những đau đớn, nhọc nhằn khi phải trải qua kỳ sinh nở và nuôi con nhỏ. Còn chị thì lúc nào cũng cảm động khoe với nhiều người, với chị, anh là điều tuyệt vời nhất.

Theo Theo Dân Trí