Trắc thủ 'bàn tay vàng' kể chuyện bắn rơi B52

TP - Đỗ Đình Tân từng được gọi là là trắc thủ “bàn tay vàng” của đơn vị bắn rơi nhiều B52 nhất trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”...

> Người anh hùng đánh B52 được tôn vinh về nghệ thuật rối nước
> Khi Đoàn là bạn tâm giao
> Những ấn tượng, kỷ niệm và bài học quý

Tôi biết cựu trắc thủ Đỗ Đình Tân trong một dịp gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Ông Đỗ Đình Tân cho biết mình nhập ngũ năm 1970 thuộc Sư đoàn 363, được cử đi học trắc thủ tên lửa. Những chiến sĩ được học trắc thủ phải có mắt tinh và đôi tay khéo léo để điều khiển hệ thống máy móc khí tài và điều chỉnh tên lửa bắn máy bay.

Học xong, ông được điều về Sư đoàn 367 đánh máy bay địch bảo vệ đường Hồ Chí Minh, đến tháng 6-1972 lại được chuyển về tiểu đoàn tên lửa 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) đóng tại trận Chèm để đánh địch trên bầu trời Hà Nội.

Thời ấy, một tiểu đoàn tên lửa tuy nhiều người nhưng lực lượng hạt nhân được tập trung vào các kíp chiến đấu số 1, 2, 3…, trong đó kíp số 1 là quan trọng nhất do phải trực tiếp chiến đấu, chỉ khi gặp sự cố mới sử dụng kíp dự bị tiếp theo.

Kíp chiến đấu thường có 5 người, gồm chỉ huy, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ (phương vị, góc tà, cự ly). Khi gia nhập tiểu đoàn 77, ban đầu Đỗ Đình Tân là trắc thủ thuộc kíp chiến đấu số 2, sau 3 tháng được tiểu đoàn trưởng đưa lên kíp số 1 thay thế trắc thủ phương vị cũ. Sau khi ra mắt đúng một ngày, Đỗ Đình Tân đã cùng kíp chiến đấu số 1 bắn tan xác chiếc F4 trên bầu trời Hà Nội.

Ông Tân cho biết: Kíp chiến đấu 5 người phải phối hợp rất ăn ý, chỉ cần một người không hợp tác nhịp nhàng với đồng đội là không thể hạ được máy bay. Khi chiến đấu, 3 trắc thủ có nhiệm vụ sục sạo mục tiêu và phát hiện nhiễu. Riêng đối với đánh B52, trắc thủ phương vị vất vả hơn đôi chút do phải bám mục tiêu nhiều hơn.

Đêm 20 rạng ngày 21-12-1972, kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 phát hiện một tốp B52 bay vào không phận Hà Nội đánh sân bay Nội Bài. Kíp chiến đấu quyết định phát sóng để đánh địch cho chắc bằng phương pháp vượt nửa góc, mặc dù việc phát sóng liên tục có thể bị sơ-rai của địch (một loại tên lửa không đối đất) bắt được tín hiệu và phản pháo lại rất nguy hiểm.

Khi tốp B52 gồm 3 chiếc bay vào, kíp chiến đấu bám chiếc đi giữa, vì theo kinh nghiệm đánh chiếc này nếu chệch có thể ăn sang hai bên. Các trắc thủ bám sát mục tiêu, khi còn cách khoảng 10km đã đề nghị cho phóng tên lửa. Khi B52 bùng cháy, các trắc thủ lại phát hiện tốp tiếp theo bay đến nên quay hệ thống theo dõi về vị trí cũ và bắt ngay được mục tiêu.

“Qua nhiều trận đánh, chúng tôi rút kinh nghiệm tốp B52 đi trước vào thế nào thì tốp sau cũng đi theo đường bay như thế. Vì vậy sau khi “khoá chặt” chiếc B52 trên hệ thống theo dõi, đơn vị đã bắn hạ được mục tiêu sau khi chiếc B52 vừa rơi không lâu” - ông Tân cho biết.

Sau trận đánh đêm 20 rạng sáng 21-12-1972, đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22-12, tiểu đoàn 77 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm tại trận địa. Đại tướng mời kíp chiến đấu đứng hàng đầu, nói: “Các đồng chí đánh rất giỏi. Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước lúc này”.

Kết thúc trận chiến 12 ngày đêm, thuật ngữ “bàn tay vàng” được đưa ra để nói về những trắc thủ của các đơn vị bắn rơi nhiều B52 nhất trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Kíp trắc thủ của tiểu đoàn 77, trong đó có Đỗ Đình Tân vinh dự được gọi là những “bàn tay vàng”. Tiểu đoàn 77 sau đó được phong anh hùng, là một trong hai đơn vị bắn rơi nhiều B52 nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, kíp chiến đấu 5 người của tiểu đoàn 77 lần lượt nhận nhiệm vụ mới và không có dịp gặp lại nhau.

Năm 1997, nhân kỷ niệm 25 chiến thắng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nhớ đến kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 năm xưa và yêu cầu được gặp lại họ.

Quân chủng Phòng không-Không quân liên lạc với từng người, mời họ trở lại trận địa Chèm năm xưa để Đại tướng gặp.

“Cuộc gặp hôm đó diễn ra rất cảm động. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến và nói: Hôm nay tôi đến đây không phải với cương vị đại tướng, mà là một nhân chứng lịch sử gặp những nhân chứng lịch sử. Với tác phong bình dị, Đại tướng ôn lại trận chiến đấu năm xưa, ân cần hỏi gia cảnh từng người khiến chúng tôi rất xúc động” - ông Đỗ Đình Tân cho biết.

Năm 1976, cựu trắc thủ “bàn tay vàng” Đỗ Đình Tân ra quân và học Đại học Pháp lý. Tốt nghiệp năm 1982, Đỗ Đình Tân xin vào Trung ương Đoàn làm việc tại Ủy ban Kiểm tra.

Vợ chồng cựu cán bộ Đoàn Đỗ Đình Tân. Ảnh: K.N.

Đỗ Đình Tân luôn năng nổ tới các tổ chức Đoàn ở nhiều vùng miền trong nước. Trong những chuyến công tác đó, anh thấy một trong những hạn chế của một số tổ chức Đoàn khi ấy là đoàn viên ít đóng đoàn phí.

Hạn chế này chưa hẳn đã do đoàn viên, mà vì tổ chức Đoàn ở một số nơi chưa thật sâu sát. Tân và các thành viên trong đoàn đã báo cáo tình hình lên cấp trên. Sau đó T.Ư Đoàn kịp thời chấn chỉnh. Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (năm 1992), Đỗ Đình Tân được bầu là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.

“Việc hoạt động Đoàn cũng giúp tôi xây dựng hạnh phúc” - cựu trắc thủ Đỗ Đình Tân nói, trìu mến nhìn vợ khi bà lại gần để rót thêm nước cho chồng và khách: Vợ tôi từng công tác tại Thành Đoàn Hà Nội, tổng cộng trên 20 năm. Khi tôi về công tác tại T.Ư Đoàn một thời gian, chúng tôi quen rồi yêu nhau.

Cách đây gần hai chục năm, cựu trắc thủ Đỗ Đình Tân chuyển sang Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó ban Kiểm tra, sau đó là Trưởng ban Kiểm tra.

Tại nơi làm việc mới, Đỗ Đình Tân vẫn giữ thái độ khiêm nhường, ít khi kể về quá trình tại ngũ của mình. Vì vậy mà năm 1997, sau lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đài Truyền hình Việt Nam có quay về kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 năm xưa và đưa lên chương trình thời sự thì nhiều người trong cơ quan mới biết Đỗ Đình Tân từng là một trắc thủ cự phách.

GS Nguyễn Trọng Nhân, lúc đó là Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam gặp Đỗ Đình Tân, nói: “Thế mà cậu chẳng kể cho ai biết”.

Đang dịp kỷ niệm 25 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, GS Nguyễn Trọng Nhân đã cho tổ chức một buổi giao lưu để Đỗ Đình Tân kể lại chuyện đánh B52 năm xưa. Sau buổi nói chuyện, GS Nguyễn Trọng Nhân đã tặng lại Đỗ Đình Tân một chiếc đồng hồ mà ông vừa được một tổ chức của Mỹ tặng mình trước đó.

Sau trận đánh đêm 20 rạng sáng 21-12-1972, đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22-12, tiểu đoàn 77 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm tại trận địa. Đại tướng mời kíp chiến đấu đứng hàng đầu, nói: “Các đồng chí đánh rất giỏi. Chính các đồng chí đã cứu nguy cho đất nước lúc này”.

Theo Báo giấy