Khoảng 5 tháng trước, khi đang đi tập thể dục, anh Đ.T.T (34 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị xe máy tông, chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM trong tình trạng liệt hoàn toàn hai chân.
BS Ngô Thanh Long (khoa Cột sống B) cho biết, bệnh nhân bị gãy cột sống, thắt lưng có tổn thương tủy, tiên lượng phục hồi kém để lại di chứng rất nặng nề.
Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật kết hợp xương và tạo hình lại thân đốt gãy, giải ép tủy sống. Sau phẫu thuật, bệnh nhân từng bước bình phục. Nhờ nỗ lực vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ, hiện nay bệnh nhân đã có thể tự đi lại bằng đôi chân của mình.
Một trường hợp khác là bệnh nhân L.V.P (60 tuổi, ngụ tại TPHCM). Tháng 12/2022, khi đi du lịch, ông không may trượt chân té ngã, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng dập tủy sống cổ (đốt C3 và C4). Sau quá trình cấp cứu và điều trị ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM tập vật lý trị liệu.
Bệnh nhân P cho biết: “Thời điểm mới bị tai nạn, tôi bị liệt cả tứ chi. Từ một người thích đi khám phá nhiều nơi, bỗng nhiên nằm liệt một chỗ, nhìn lên trần nhà khiến tôi sốc nặng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các y bác sĩ và kiên trì tập vật lý trị liệu, đến nay tôi đã vận động được cả tay và chân, hiện đang được nhân viên y tế hướng dẫn tập đi. Hy vọng, trong thời gian gần nhất, tôi có thể trở lại cuộc sống bình thường” – bệnh nhân P chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên tại Hội thảo “Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống và ký kết MOU phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng”, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị Bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết, tổn thương tủy sống thường xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý lao cột sống, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn lao động. Tổn thương tủy sống thường gây ra hậu quả nặng nề, khiến bệnh nhân bị liệt nếu không được can thiệp sớm, vật lý trị liệu kịp thời.
Để hạn chế nguy hiểm cho người bệnh do tổn thương tủy sống sau tai nạn, người bị nạn cần được cố định cơ thể, sơ cứu đúng cách, phẫu thuật kịp thời để tủy sống không bị chèn ép, tránh tổn thương thần kinh.
Bên cạnh nỗ lực điều trị, vật lý trị liệu với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên môn hiện đại, người bệnh bị tổn thương tủy sống, yếu liệt cơ thể còn rất cần đến sự hỗ trợ về mặt tâm lý để đạt kết quả tối ưu nhất.
Vật lý trị liệu hiện đang được xem là phương án “cứu tinh” cho người bệnh bị tổn thương tủy sống.
Ngày 7/4, Bệnh viện Phục hồi chức năng đã ký kết chương trình MOU hỗ trợ chỉ đạo tuyến cho toàn miền Đông và Tây Nam Bộ.
“Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng rộng khắp các tỉnh, thành để phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng để hỗ trợ cho người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng sớm bình phục tái hòa nhập cuộc sống” – TS.BS Phan Minh Hoàng cho hay.