TPHCM họp khẩn về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika

TPO - Chiều 19/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã có buổi họp khẩn với Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika sau khi nhiều ca bệnh do vi rút Zika xuất hiện liên tiếp trong 2 tháng gần đây tại TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng họp khẩn với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trước tình hình bệnh do vi rút Zika xuất hiện liên tiếp tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc

Xuất hiện ca Zika ở quận trung tâm

Tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân đã chính thức cho biết tại thành phố vừa ghi nhận thêm 1 ca mắc Zika tại quận 5. Như vậy, hiện đã có tổng cộng 5 ca nhiễm Zika tại thành phố, gồm 2 ca tại quận 2, 1 ca tại các quận 9, 12 và mới nhất là quận 5. 

Ngoài ra, khu vực phía Nam còn ghi nhận 3 ca mắc Zika khác tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Dương. Theo đánh giá của ông Lân, nước nào mắc sốt xuất huyết cao thì Zika đều xuất hiện. Môi trường nóng ẩm của Việt Nam thích hợp cho Zika phát triển. “Phải kiểm soát được lăng quăng (bọ gậy) và muỗi. Với mật độ muỗi như hiện nay, sắp tới việc các ca mắc Zika xuất hiện nhiều hơn chỉ là vấn đề thời gian”, ông Lân nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tình hình sốt xuất huyết, Zika tăng cao không nằm ngoài dự báo của bộ bởi năm nay là năm chu kỳ của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, không chỉ tại TPHCM, mà đặc biệt cả Tây Nguyên, vấn đề sốt xuất huyết và Zika sẽ diễn biến rất phức tạp. 

“Nguy cơ xuất hiện nhiều ca nhiễmZika là hoàn toàn có thể. Vừa rồi phát hiện một trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ ở Đăk Lăk, Bộ Y tế đã gửi mẫu đi xét nghiệm. Khả năng nhiễm Zika ở ca này là rất cao. Chúng ta biết, chủng muỗi lây truyền bệnh này và sốt xuất huyết tại Tây Nguyên và TPHCM là một”, ông Long cho biết.

Theo ông Lân, sẽ tiếp tục duy trì 66 điểm giám sát Zika tại phía Nam. Trong đó, có 45 điểm ở các bệnh viện lớn, bệnh viện quận huyện và các phòng khám tư nhân của TPHCM. Chính nhờ hệ thống giám sát này đã giúp phát hiện các ca bệnh tại thành phố, qua việc gửi mẫu bệnh phẩm những trường hợp nghi ngờ về cho Viện Pasteur. “Tôi đề nghị các cấp lãnh đạo cho triển khai thêm một hệ thống xét nghiệm nữa tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tránh sự quá tải cho Viện Pasteur trong thời gian tới”, ông Lân nói.

Cũng theo ông Lân, người dân không nên quá hoang mang. Bệnh do Zika nhẹ nhưng ảnh hưởng đến người mang thai. Nếu vi rút gia tăng trong cộng đồng nhiều thì đối tượng này phải hết sức cẩn thận. “Zika chỉ có thể lây trong vòng 7 ngày đầu kể từ khi khởi phát bệnh. Cần tập trung vào phụ nữ chuẩn bị mang thai. Những người này thì phải chú ý môi trường xung quanh, bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh không không để bị muỗi chích ít nhất là 2 tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ để phòng các dị tật do Zika gây ra cho con cái sau này”, ông Lân đề xuất.

Toàn hệ thống chính trị phải chống Zika

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, nếu 4 ca mắc Zika trước đây xảy ra ở các quận vùng ven với môi trường chưa tốt tạo điều kiện cho lăng quăng, muỗi phát triển, thì ca mới nhất xuất hiện ngay tại một quận trung tâm là hết sức đáng lưu ý. “Công tác phòng chống cần phải tập trung hơn nữa. Chúng ta không thể chủ quan. Các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng chống. Phát động người dân làm sạch môi trường, diệt muỗi, lăng quăng”, bà Thu yêu cầu.

Để làm được các điều trên, bà Thu lưu ý Sở Y tế phải thay đổi cách truyền thông. “Điều quyết định của truyền thông là phải làm sao thay đổi hành vi người dân. Tuyên truyền nhiều nhưng số người được lan tỏa ít vì chưa tập trung nâng cao ý thức người dân”, bà Thu nói.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Đinh La Thăng cho rằng toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc chiến chống Zika, sốt xuất huyết. “Một mình ngành y tế không thể làm được. Chúng ta đã làm quyết liệt nhưng kết quả phòng chống dịch bệnh đến nay là chưa như mong muốn. Nhà tôi ở muỗi rất nhiều nhiều và rất to… Do đó, tất cả hệ thống chính trị phải cùng ngành y tế thực hiện các biện pháp, vận động người dân ý thức diệt muỗi, lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh”, ông Thăng nói.