TPHCM đề xuất rút ngắn thời gian học: Làm gì tránh chuột bạch?

Trước đề xuất về định hướng mở trong biên chế năm học của TP Hồ Chí Minh như có thể học 8 tháng, 10 tháng/năm học thay vì quy định “cứng” 9 tháng như hiện nay… nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét một cách thấu đáo, tránh biến học sinh thành... “chuột bạch”.
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/Vietnam Plus).

Linh hoạt giờ học, thời gian học

Trong báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, UBND TPHCM đưa ra một số vấn đề góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục như cần có định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay). Cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt, có thể học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày. Cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường: trường chuyên, trường tiên tiến - hiện đại, trường bình thường...

Lý giải điều này, lãnh đạo Sở GDĐT TP HCM cho rằng những đề xuất này nhằm tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương. 

Ngoài ra, Sở GDĐT TP HCM cũng đề xuất bên cạnh phương pháp học truyền thống, một số hình thức học tập không chính quy, học qua Internet cần được nghiên cứu và luật hóa. 

Cùng với đó, Đề án phát triển ngành GDĐT TP HCM đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, TP HCM đề xuất Bộ GDĐT cho phép TP tự thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Sở GDĐT TP sẽ giao quyền tự chủ về giảng dạy cho nhà trường và giáo viên, cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của mỗi bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá học sinh... 

TP HCM cũng sẽ có bài thi chuẩn nhằm kiểm tra và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trên địa bàn. Bài thi này được tổ chức nhiều lần trong năm để đáp ứng biên chế mở. 

Trước đó, Sở GDĐT TP HCM cũng cho biết, thành phố sẽ dạy thực nghiệm  bộ sách giáo khoa riêng vào năm 2019 để đánh giá, chỉnh sửa rồi mới áp dụng chính thức vào năm 2020. 

Nhiều băn khoăn

Đối với đề xuất các trường có thể rút ngắn hoặc giữ nguyên thời gian 9 tháng trong năm tùy điều kiện của mình, những ý kiến ủng hộ cho rằng thực tế ở nhiều nước tiên tiến đã áp dụng quy định mở này để các trường và học sinh được tự chủ trong mọi hoạt động của mình. Cụ thể, có những học sinh có khả năng và mong muốn được hoàn thành việc học phổ thông sớm hơn so với thời gian truyền thống, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho chặng đường phía trước khi theo học ĐH hoặc học nghề, tham gia vào thị trường lao động… 

Về phía các trường phổ thông, từ thực tế là có những nơi bị thiên tai tàn phá, thời gian học tập có thể bị chậm trễ hơn so với các địa phương khác, việc học nếu được “mở” thành 10 tháng thay vì 9 tháng thì chất lượng giáo dục có thể tốt hơn do đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông thực hiện đúng trong thời gian quy định. Ngược lại, ở những trường có cơ sở vật chất tốt, có điều kiện về đội ngũ giáo viên hoàn toàn có thể đẩy nhanh thời gian đào tạo. 

Thời gian đào tạo ngắn hay dài không quan trọng bằng chất lượng của việc đào tạo có đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng mà bậc học, cấp học, môn học đó đòi hỏi hay không - một giáo viên thẳng thắn nhìn nhận. Thực tế, với những trường hợp ngồi nhầm lớp mà báo chí phản ánh thời gian qua, các em vẫn đảm bảo thời gian đi học như những bạn bằng tuổi khác nhưng lượng kiến thức thu nhận và vận dụng, thực hành được thậm chí còn kém nhiều em ở các lớp dưới. 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình - sách giáo khoa mới, đề xuất linh hoạt thời gian năm học đã được Bộ GDĐT quy định nhiều năm qua. Việc chính thức đưa vào luật là cần thiết để các địa phương, các trường có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, bất cứ chủ trương nào khi đưa vào thực tiễn cũng cần có sự giám sát cụ thể của các cơ quan quản lý sao cho phù hợp với tình hình cụ thể. Không thể thấy nơi này, trường này giảm thời gian học thì địa phương mình, trường mình cũng giảm thời gian học bởi nhìn chung, chương trình - sách giáo khoa đã được xây dựng cho thời gian học 9 tháng tập trung, áp dụng đại trà với mọi đối tượng. Có một số em có khả năng hoàn thành sớm hơn nhưng ngược lại cũng có em cần đủ, thậm chí nhiều hơn thời gian để nắm vững được kiến thức này. 

Tương tự, việc linh hoạt trong lựa chọn học ở trường hay học ở nhà, học qua hình thức online… cũng cần có những quy định cụ thể vì trên thực tế, một số trường hợp chọn học ở nhà, qua hình thức đào tạo trực tuyến mà báo chí phản ánh thời gian qua chủ yếu là ở những gia đình có điều kiện khá giả. Học sinh sau khi hoàn thành các chương trình học này sẽ thi cấp chứng chỉ với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài với định hướng đi du học thay vì học lên cao ở trong nước.

Như vậy, nếu những đề xuất này của TP HCM được tán thành và đưa vào trong luật sửa đổi thì cũng mới chỉ là cơ sở để các trường nghiên cứu thực hiện. Chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đảm bảo khi thực hiện đạt kết quả tốt. Thực hiện tuyên truyền với học sinh, phụ huynh về chủ trương này để hiểu và tự nguyện đăng ký khi có nhu cầu, tránh tình trạng được “tự nguyện một cách nửa vời” như mong muốn con được lưu ban vì nhận thấy con chưa đạt chuẩn kiến thức nhưng cuối cùng nhà trường vẫn đẩy con lên lớp vì áp lực từ chỉ tiêu đã đăng ký. 

Muốn như vậy, ngành giáo dục cần triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh thành tích. Chỉ khi học thật, thi nghiêm, thực hiện đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, không vị nể, không bị áp lực phải 100% lên lớp, bao nhiêu % khá giỏi… thì những cải tiến này mới đem lại hiệu quả thiết thực. 

Một lưu ý khác là về nội dung chương trình học có đảm bảo được yêu cầu học linh hoạt hay không. Mặc dù TP HCM dự kiến sẽ dạy thực nghiệm bộ sách giáo khoa riêng từ năm học 2019-2020 nhưng đến giờ này, vẫn chưa rõ hình hài, nội dung của bộ sách giáo khoa mới này ra sao? Nếu học sinh học theo tín chỉ như ở bậc đại học đang áp dụng, có thể gói gọn trong một số môn học bắt buộc và đăng kí thêm những môn học mà các em yêu thích, chủ động thời gian học hay phải hoàn thành tất cả các môn? 

Ngoài ra, việc liên thông về giáo dục giữa TP HCM và các tỉnh, thành khác cũng cần được xem xét thận trọng trước khi đi vào thực tế triển khai để không biến học sinh thành... “chuột bạch”.

Theo Theo Đại Đoàn Kết