“Chúng tôi nghĩ rằng an ninh của một nhóm quốc gia không thể được xây dựng dựa trên sự tổn hại đến an ninh của các quốc gia khác. Khái niệm an ninh cần phải giống nhau đối với tất cả mọi người. Do đó, điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là Ukraine đứng ngoài bất kỳ khối nào”, lãnh đạo Nga cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh Nga có quyền đảm bảo an ninh của mình giống như bất kỳ quốc gia nào khác.
“Chúng tôi tin rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra những mối đe dọa đối với chúng tôi thông qua Ukraine và chúng tôi muốn những lo ngại của mình được lắng nghe”.
Ông Putin nhắc lại rằng vào năm 1991, chính quyền Mỹ khi đó đã hứa rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. “Kể từ đó, đã có năm làn sóng mở rộng NATO và lần nào chúng tôi cũng bày tỏ mối quan ngại của mình.”
Về chiến dịch phản công của Ukraine
Tổng thống Nga cho biết chiến dịch phản công của Ukraine - khai màn từ ngày 4/6 - đến nay vẫn chưa đạt được thành quả gì, thậm chí còn gây ra tổn thất lớn.
Trước đó một ngày, ông Putin chỉ ra rằng cuộc phản công của Ukraine đã hoàn toàn thất bại, dù Kiev đang lên kế hoạch tiến hành thêm các hoạt động tấn công ở một số khu vực. Ông cho biết các lực lượng Nga đang tiến hành "phòng thủ chủ động", cải thiện vị trí của họ dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến, bao gồm các khu vực Kupyansk, Zaporozhye và Avdeyevka.
Phía Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin này.
Về kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Trung Quốc đề xuất
“Chúng tôi rất biết ơn những người bạn Trung Quốc vì đã cố gắng tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng này”, ông Putin nói. “Chúng tôi đánh giá cao những đề xuất đó. Tôi nghĩ chúng hoàn toàn thực tế và có thể đặt nền tảng cho các thỏa thuận hòa bình.”
Tuy nhiên theo ông Putin, Ukraine "không muốn tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào", vì vậy chính Kiev mới là bên cần phải tuyên bố sẵn sàng đàm phán.
“Chúng tôi đã sẵn sàng, kể cả trên cơ sở đề xuất của Trung Quốc”, ông Putin nhấn mạnh.
Hồi tháng 2/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra đề xuất 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Đề xuất bao gồm kêu gọi ngừng bắn, tôn trọng lợi ích an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, trao đổi tù binh chiến tranh giữa Mátxcơva và Kiev, cũng như từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương mà không có quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc gọi các cuộc đàm phán là "cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine", kêu gọi tất cả các bên giúp Mátxcơva và Kiev "tiến về phía nhau", nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt.