Tổng thống Bờ Biển Ngà trốn dưới hầm ngầm

TP - Một nguồn tin quân sự hôm 5-4 cho biết, Tổng thống bị phế truất Laurent Gbagbo đang cùng gia đình lẩn trốn dưới boong-ke tư dinh ở thành phố Abidjan, trong khi tòa nhà này bị phe đối lập của tân Tổng thống Alassane Ouattara bao vây.

> Bờ Biển Ngà có đến... hai tổng thống!

Tân Tổng thống Ouattara được Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận sau cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Bờ Biển Ngà hồi tháng 11 năm ngoái. Ông Ouattara vốn là nhà kinh tế làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mặc dù bị thất cử nhưng ông Gbagbo không chịu chuyển giao quyền lực cho ông Ouattara, đẩy quốc gia Tây Phi này đến tình trạng nội chiến đẫm máu.

Lực lượng của tân Tổng thống Ouattara cho biết, kể từ khi họ mở đợt tấn công vào lực lượng của ông Gbagbo hồi tuần trước, họ liên tiếp giành quyền kiểm soát các vùng từ tây sang bắc. Ngày 5-4, lực lượng Ouattara chiếm được biệt thự riêng của gia đình ông Gbagbo nhờ sự không kích của các máy bay trực thăng LHQ và Pháp vào các mục tiêu quanh tòa nhà này.

Binh lính thuộc lực lượng chống ông Gbagbo cho biết, khi họ tiến vào tư dinh của tổng thống bị phế truất, một số người mặc thường phục từ tòa nhà này bắn ra. Tại thành phố Abidjan với 4 triệu dân, lực lượng trung thành với ông Gbagbo bị kẹt lại. Những người này mặc thường phục, được trang bị súng, đạn ẩn náu trong dân thường với các thành viên gia đình họ.

Do bị lực lượng Ouattara vây hãm nên Abidjan thiếu thốn đủ thứ từ nước sạch, thực phẩm đến điện. Phát ngôn viên của ông Gbagbo cho biết, tổng thống bị phế truất chưa đến mức phải đầu hàng. Trong khi đó, Tham mưu trưởng lục quân, tướng Philippe Mangou, nói rằng, quân đội của ông đã ngừng giao tranh với các lực lượng thân tân Tổng thống Ouattara. Đại diện của ông Ouattara tại Paris nói với báo chí Pháp rằng, ông Gbagbo đang thương lượng để tìm lối thoát.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, những cuộc không kích của máy bay trực thăng LHQ vào các căn cứ của quân đội Gbagbo là nhằm ngăn chặn họ đàn áp dân thường. Đêm 4-4, các máy bay trực thăng Mi-24 của LHQ không kích 5 mục tiêu, gồm tư dinh của ông Gbagbo, căn cứ của lực lượng vệ binh cộng hòa, trụ sở chính của Đài Truyền hình Quốc gia, căn cứ không quân Akban và kho vũ khí Akouedo của chế độ Gbagbo.

Tư lệnh Lực lượng Giữ gìn Hòa bình LHQ Alain Le Roy nói rằng, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cho phép hành động như vậy ở Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, cần xác định tính hợp pháp của hành động này vì binh lính thuộc Lực lượng Giữ gìn Hòa bình LHQ tại Bờ Biển Nga có trách nhiệm không đứng về bên tham chiến nào, đồng thời luôn giữ lập trường trung lập.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, ông đã cho phép 1.600 lính Pháp ở Bờ Biển Ngà hỗ trợ quân đội LHQ phản ứng lại hành động của chính quyền Gbagbo. Bờ Biển Ngà vốn là thuộc địa của Pháp. Năm 1960, nước này giành được độc lập từ tay Pháp. Các đây khoảng 10 năm, xảy ra nội chiến ở Bờ Biển Ngà khiến LHQ phải điều lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế đến quốc gia này để duy trì an ninh, trật tự.

Đ.P
Theo BBC

Theo Báo giấy