Tổng hợp, lập báo cáo tài chính nhà nước năm 2018: Một số khó khăn và giải pháp thực hiện

Năm 2019 là năm đầu tiên KBNN triển khai lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2018. Mặc dù cơ sở pháp lý cho hoạt động này đã được ban hành đầy đủ, các hướng dẫn cụ thể đã được KBNN phổ biến đến các đơn vị nhưng tính đến cuối tháng 6/2019 mới có khoảng 4.000 đơn vị gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2018 qua Cổng (trong đó, chủ yếu là xã và các đơn vị ở huyện).

Tác giả bài viết nêu ra một số khó khăn và đề xuất giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Căn cứ các quy định của Luật Kế toán năm 2015, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 của Chính phủ về BCTCNN (Nghị định 25), Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 về hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước (Thông tư 133), toàn hệ thống KBNN đã, đang phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành tích cực, khẩn trương triển khai lập BCTCNN năm 2018.  

Các quy định về BCTCNN lần đầu tiên đã được luật hóa tại Luật Kế toán năm 2015 (Điều 30, Điều 73); cụ thể hóa tại Nghị định 25, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập BCTCNN; đồng thời ban hành nhiều Thông tư sửa đổi, hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán thuộc khu vực nhà nước như: Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp (Thông tư 107); Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 về việc hướng dẫn lập Báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên (Thông tư 99)...

Để chuẩn bị cho việc lập BCTCNN năm 2018, thời gian qua, Bộ Tài chính và KBNN đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, cụ thể: Công văn số 2728/BTC-KBNN của Bộ Tài chính ngày 11/03/2019 và Công văn số 5772/BTC-KBNN ngày 21/05/2019 sửa đổi, bổ sung Công văn số 2728/BTC-KBNN hướng dẫn gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính để triển khai lập BCTCNN năm 2018; Công văn số 1800/KBNN-KTNN ngày 17/04/2019 của KBNN hướng dẫn triển khai lập BCTCNN năm 2018; Công văn số 2636/KBNN - KTNN ngày 04/06/2019 của KBNN về công tác chuẩn bị, triển khai lập BCTCNN.

Theo đó, đến nay, khung pháp lý cơ bản cho công tác lập BCTCNN năm 2018 đã được ban hành.

Hệ thống thông tin tổng kế toán nhà nước được xây dựng phù hợp, đảm bảo tổng hợp nhanh chóng, chính xác các thông tin tài chính nhà nước một cách hiệu quả, kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu quản lý là một nhiệm vụ trọng tâm. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống thông tin đủ mạnh, an toàn đối với việc lập BCTC Chính phủ các nước.

KBNN hiện nay đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin tổng KTNN để các đơn vị bên ngoài có thể gửi thông tin tài chính cho KBNN theo hình thức điện tử; đồng thời hỗ trợ KBNN tiếp nhận hoặc nhập thủ công thông tin tài chính nhà nước do các đơn vị gửi, tổng hợp, lập BCTCNN và Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện.

Từ ngày 10/06/2019 KBNN đưa vào vận hành chính thức Cổng tiếp nhận thông tin từ các đơn vị bên ngoài; các hạng mục khác dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ giữa tháng 7/2019.

Về tổ chức bộ máy, KBNN đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức tại trung ương (chuyển đổi Vụ Kế toán nhà nước thành Cục Kế toán Nhà nước theo Quyết định số 1960/QĐ-BTC ngày 28/9/2015; thành lập Phòng Tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước để thực hiện chức năng tổng KTNN tại trung ương); đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện tổng KTNN cho bộ phận kế toán tại KBNN tỉnh, thành phố và KBNN quận, huyện. Theo đó, đến nay, KBNN đã cơ bản hoàn thiện công tác kiện toàn bộ máy kế toán để sẵn sàng cho việc thực hiện Tổng KTNN ở trung ương và địa phương.

Về đào tạo, tập huấn, trên cơ sở tiến độ xây dựng khung pháp lý và Hệ thống thông tin tổng KTNN, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình Bộ kế hoạch đào tạo, tập huấn thuộc Đề án Tổng KTNN trong năm 2019. Theo đó, từ tháng 3/2019, đã tổ chức ba lớp đào tạo, tập huấn cho các đơn vị dự toán (ĐVDT) cấp I cấp trung ương, tỉnh - đơn vị cung cấp thông tin (về cơ chế chính sách, gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính) và một lớp đào tạo cho các công chức KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện - đơn vị tổng hợp, lập BCTCNN (về cơ chế chính sách và vận hành Hệ thống thông tin tổng KTNN). Dự kiến, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo cho công chức cơ quan quản lý và người dùng chính của KBNN tỉnh.

Do năm 2019 là năm đầu tiên KBNN triển khai lập BCTCNN năm 2018 trong khi đó việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm và hệ thống thông tin tổng KTNN chưa vận hành đầy đủ chức năng (mới chỉ vận hành phần Cổng thông tin để tiếp nhận báo cáo của các đơn vị bên ngoài hệ thống KBNN) nên đến nay KBNN mới tập trung đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2018, chưa thực hiện tổng hợp, lập Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện năm 2018 và BCTCNN năm 2018.

Tính đến cuối tháng 6/2019 mới có khoảng 4.000 đơn vị gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2018 qua Cổng (trong đó, chủ yếu là xã và các đơn vị ở huyện).

Khó khăn, vướng mắc và đề xuất xuất giải pháp

Việc triển khai, lập BCTCNN trong thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi như được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo; sự đồng lòng, quyết tâm của hệ thống KBNN, sự phối hợp của các đơn vị có liên quan... còn có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cụ thể:

Về xây dựng, triển khai áp dụng cơ chế chính sách

Một số đơn vị thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 107 nhưng trong năm 2018 vẫn áp dụng theo Chế độ kế toán (CĐKT) cũ do được Bộ Tài chính cho phép hoặc đang trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nên dự kiến sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị cho phép lùi thời gian áp dụng Thông tư sang năm 2019 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…). Theo đó, các đơn vị này không phải lập BCTC cho năm 2018 gồm 4 báo cáo: Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh Báo cáo tài chính. Do vậy, để phục vụ cho việc lập BCTCNN năm 2018, trên cơ sở thông tin tài chính lập theo CĐKT cũ, cần xây dựng hệ thống các chỉ tiêu thông tin tài chính năm 2018 để các đơn vị này hướng dẫn đơn vị cấp dưới cung cấp, tổng hợp gửi KBNN.

Bên cạnh đó, một số đơn vị khác (như chủ đầu tư; quỹ tài chính ngoài NSNN có CĐKT riêng...) vẫn áp dụng CĐKT cũ trong năm tài chính 2018 do các CĐKT áp dụng cho đơn vị chưa được sửa đổi, ban hành. Theo đó, vận dụng hướng dẫn đơn vị kế toán cấp trên tổng hợp thông tin tài chính tại Thông tư 99 sẽ hướng dẫn các đơn vị gửi báo cáo lập theo CĐKT cũ và KBNN sẽ thực hiện tổng hợp một (hoặc một số) chỉ tiêu tài chính cơ bản của các đơn vị: Tài sản thuần, thặng dư/thâm hụt trong năm. Giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, thông tin tài chính của đơn vị chưa được phản ánh đầy đủ trên BCTCNN; sau khi CĐKT mới được ban hành và áp dụng, thông tin tài chính của các đơn vị này sẽ được tổng hợp đầy đủ theo từng chỉ tiêu (tương tự như việc tổng hợp thông tin tài chính của các ĐVDT I, ĐVDT cấp I, áp dụng theo Thông tư 107 và Thông tư 99).  

Khó khăn trong việc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhà nước năm 2018 do năm tài chính 2018 là năm đầu tiên các ĐVDT cấp I thực hiện lập Báo cáo tài chính tổng hợp nên Thông tư 99 hướng dẫn ĐVDT cấp I khi lập BCTC tổng hợp năm 2018 không phải tổng hợp, trình bày các số liệu tài chính năm 2017; tuy nhiên, đây là những thông tin cần thiết để tổng hợp một số chỉ tiêu trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhà nước năm 2018. Do vậy, riêng đối với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhà nước năm 2018, thay vì việc dựa vào Báo cáo tình hình tài chính nhà nước, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước (được lập trên cơ sở tổng hợp thông tin tài chính nhà nước từ các ĐVDT cấp I và các cơ quan quản lý) có thể lập căn cứ vào số liệu của Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018. Giải pháp này sẽ đảm bảo năm 2018 có Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhà nước phù hợp với quy định của Luật Kế toán năm 2015; tuy nhiên, các chỉ tiêu trên báo cáo có thể không đầy đủ như các chỉ tiêu theo mẫu quy định tại Nghị định 25 (từ năm tài chính 2019 trở đi sẽ có đủ cơ sở để lập báo cáo này theo quy định tại Nghị định 25).

Qua quá trình tập huấn, khảo sát tại một số địa phương (như Hưng Yên, Hà Nội...), nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) phản ánh việc lập BCTC năm 2018 theo Thông tư 107 hoặc BCTC tổng hợp, Báo cáo bổ sung thông tin tài chính theo Thông tư 99 còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do CĐKT mới, có nhiều thay đổi so với CĐKT cũ cần nhiều thời gian nghiên cứu hoặc thời gian hiệu lực áp dụng các văn bản sau thời gian ban hành (thậm chí Thông tư số 99 ban hành cuối năm 2018 trong khi hiệu lực áp dụng từ đầu năm 2018) nên một số thông tin tài chính chưa được theo dõi từ đầu năm 2018 (các thông tin về giao dịch nội bộ).

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc này, KBNN cần tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán đẩy mạnh công tác hỗ trợ; kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, bao gồm việc hướng dẫn các đơn vị lập thủ công BCTC tổng hợp, Báo cáo bổ sung thông tin tài chính năm 2018 (đối với các năm sau, các đơn vị cần nâng cấp phần mềm kế toán để đáp ứng yêu cầu lập báo cáo này); đồng thời, KBNN sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ tổng hợp, lập báo cáo này.   

Theo hướng dẫn tại Thông tư 133, các cơ quan quản lý (gồm Tổng cục Hải quan – thông tin liên quan đến thuế xuất, nhập khẩu; Bảo hiểm xã hội Việt Nam – thông tin liên quan đến các quỹ Bảo hiểm xã hội, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại - thông tin liên quan đến quỹ Tích lũy trả nợ, KBNN - thông tin liên quan đến nợ công, Tổng  cục Dự trữ Nhà nước - thông tin liên quan đến nghiệp vụ dự trữ) cung cấp các báo cáo lập theo CĐKT mới; tuy nhiên, các CĐKT này có hiệu lực áp dụng từ năm tài chính 2019; trong năm 2018, các đơn vị này và cơ quan thuế (đang trong quá trình sửa đổi CĐKT để trình Bộ Tài chính ban hành) vẫn áp dụng CĐKT cũ.

 

Do vậy, để không phát sinh nhiều công việc cho đơn vị, chỉ đối với những đơn vị có báo cáo năm 2018 (lập theo CĐKT cũ) thiếu nhiều thông tin cần thiết để lập BCTCNN năm 2018 (gồm cơ quan Thuế, Hải quan, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại - thông tin liên quan đến nợ công, Tổng cục Dự trữ Nhà nước), KBNN sẽ thiết kế biểu mẫu Báo cáo cung cấp thông tin riêng cho từng đơn vị; đối với những đơn vị khác (BHXH, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại - thông tin về Quỹ tích lũy trả nợ, Vụ NSNN) gửi báo cáo lập theo CĐKT hiện tại hoặc quy định hiện hành; KBNN sẽ thực hiện tổng hợp các chỉ tiêu phù hợp khi lập BCTCNN.

Về hệ thống thông tin

Đối với hệ thống thông tin tổng KTNN: Xuất phát từ việc các văn bản cơ chế chính sách ban hành vào cuối 2018 và đầu năm 2019, từ ngày 10/6/2019, KBNN mới đưa vào vận hành chính thức Cổng tiếp nhận báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị, các chức năng còn lại dự kiến giữa tháng 07/2019 mới hoàn thành để đưa vào hoạt động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hỗ trợ các đơn vị KBNN trong việc tổng hợp, lập Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện và BCTCNN tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới, KBNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thông tin tổng KTNN, đảm bảo mốc tổng hợp BCTCNN toàn quốc.

Đối với phần mềm kế toán của các đơn vị: Qua nắm bắt từ khảo sát, phần lớn phần mềm kế toán của đơn vị hiện mới chỉ lập được Báo cáo tài chính theo Thông tư 107, chưa hoặc mới đang được nâng cấp để lập Báo cáo tài chính tổng hợp, Báo cáo bổ sung thông tin tài chính (hoặc Báo cáo bổ sung thông tin tài chính tổng hợp) theo hướng dẫn tại Thông tư 99. Theo quy định, đến thời điểm này các đơn vị phải gửi báo cáo cho KBNN, do vậy, trong khi chờ nâng cấp phần mềm kế toán đối với năm tài chính 2018, các đơn vị sẽ lập thủ công các báo cáo này, tuy nhiên sẽ cần thời gian nhiều hơn cho công tác lập và tổng hợp báo cáo.

Ngoài ra, xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, các đơn vị thuộc đối tượng bị sáp nhập, giải thể trong năm 2019; đơn vị có quy mô nhỏ, kinh phí hoạt động hằng năm ít… chưa thực hiện đăng ký chữ ký số. Do vậy, để đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế, đối với trường hợp này, KBNN tiếp nhận Báo cáo giấy (kèm theo file điện tử) và thực hiện nhập thủ công báo cáo của đơn vị vào hệ thống; tuy nhiên, việc này sẽ cần thêm thời gian để tổng hợp thông tin báo cáo.

Các khó khăn vướng mắc khác

Số lượng các đơn vị thuộc khu vực nhà nước tương đối lớn (khoảng hơn 120 nghìn đơn vị), đa dạng, áp dụng theo các CĐKT khác nhau nên việc thống nhất, tổng hợp số liệu gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do cơ chế phân bổ ngân sách tại các địa phương rất khác nhau, một số tỉnh và nhiều huyện (khoảng 60% huyện) thực hiện phân bổ ngân sách trực tiếp đến đơn vị sử dụng ngân sách (không qua cấp I). Do đó, số lượng đơn vị trực tiếp cung cấp thông tin tài chính cho KBNN rất lớn (khoảng hơn 50 nghìn đơn vị); trong đó, có những đơn vị không tổ chức bộ máy kế toán hoặc kế toán kiêm nhiệm nên khó có khả năng lập được BCTC hoặc BCTC tổng hợp, dẫn đến nguồn thông tin đầu vào cho KBNN có thể không đầy đủ, kịp thời.

Do vậy, KBNN cần phải nghiên cứu, nắm tình hình để tổ chức tốt công tác tiếp nhận báo cáo (trường hợp ĐVDT cấp I không có khả năng lập BCTC tổng hợp, KBNN sẽ tiếp nhận báo cáo trực tiếp từ các đơn vị kế toán cơ sở) và tổng hợp lập BCTCNN năm 2018 trên cơ sở thông tin tài chính của các đơn vị lập theo CĐKT hiện hành. Bên cạnh đó, để tiếp tục cải thiện chất lượng BCTCNN, về trung và dài hạn, một mặt, cần thống nhất các nguyên tắc kế toán trong khu vực nhà nước để nâng cao chất lượng nguồn thông tin đầu vào, từ đó, nâng cao chất lượng BCTCNN; mặt khác, cần nghiên cứu phương án phân nhóm các đơn vị thuộc khu vực nhà nước trên cơ sở các chỉ tiêu tài chính cơ bản (như tổng tài sản, tổng nguồn vốn, tổng chi phí...) để có phương án tổng hợp thông tin tài chính các nhóm đơn vị này trên BCTCNN một cách phù hợp, khả thi (kinh nghiệm của một số nước như Anh, Séc... đối với các đơn vị có quy mô nhỏ, không trọng yếu, không cần tổng hợp các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị này mà chỉ cần chỉ cần thuyết minh, thống kê danh sách).

Do nguồn thông tin đầu vào để lập BCTCNN (hoặc Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện) phần lớn phụ thuộc từ các đơn vị bên ngoài (chỉ có một số thông tin được tổng hợp từ TABMIS như: Thu, chi khác của NSNN; chi ngân sách xã, chi thường xuyên của xã...); mặt khác, đây là các thông tin tài chính trong khi công chức KBNN thành thạo kế toán ngân sách, kho bạc. Do đó, khó khăn cho các đơn vị KBNN trong việc hiểu báo cáo của đơn vị, hỗ trợ các đơn vị lập và tổng hợp BCTC cũng như trong việc tổng hợp, lập BCTCNN. Do vậy, các đơn vị KBNN cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của BCTCNN để tranh thủ sự ủng hộ cũng như sự chia sẻ về các khó khăn, thách thức trong quá trình lập BCTCNN của các cấp lãnh đạo, các ban ngành địa phương; đồng thời, tích cực đào tạo tập huấn, xây dựng đội ngũ công chức chuyên sâu từ trung ương đến địa phương về BCTCNN. Liên quan đến BCTCNN năm 2018, Bộ Tài chính (KBNN) cần có giải pháp để những người đứng đầu các đơn vị ở Trung ương hoặc lãnh đạo địa phương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành báo cáo cung cấp thông tin tài chính và gửi KBNN.

Để BCTCNN dễ đọc, dễ hiểu và gần gũi với người sử dụng, ngoài báo cáo bằng “số” (lập theo mẫu biểu quy định tại Nghị định 25 và có sự hỗ trợ của hệ thống thông tin tổng KTNN); cần phải có báo cáo bằng “lời” để phân tích, thuyết minh các số liệu tài chính nhà nước gắn với bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong nước, quốc tế, trong mối quan hệ với các báo cáo có liên quan khác (như: Báo cáo quyết toán NSNN, Báo cáo thống kê tài chính chính phủ…) Việc lập các báo cáo này đòi cán bộ có năng lực, trình độ, có kiến thức tổng quan về nhiều mặt (kinh tế, chính trị...). Do vậy, một mặt, KBNN cần cử một số công chức “nòng cốt” trong việc lập BCTCNN tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, nâng cao về thuyết minh, giải trình và phân tích Báo cáo tài chính Chính phủ của các nước; đồng thời, trong nội dung đào tạo “người sử dụng chính” cần bố trí thời lượng hợp lý cho nội dung này để KBNN các cấp có thể triển khai, thực hiện.

Kế hoạch triển khai lập BCTCNN trong thời gian tới

Căn cứ vào tiến độ triển khai đến nay và trên cơ sở các khó khăn, thách thức nêu trên, để có thể hoàn thành việc lập BCTCNN năm 2018 phù hợp các quy định hiện hành, trong thời gian tới, cần phải tích cực, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đối với KBNN

Tháng 7/2019, hoàn thiện, trình Bộ trưởng ký Công thư gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc trung ương; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp triển khai lập BCTCNN; đồng thời, cần trình Bộ Tài chính phê duyệt nội dung kỹ thuật nghiệp vụ gồm: Phương án tổng hợp, lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2018; văn bản hướng dẫn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổng hợp, cung cấp thông tin tài chính năm 2018; nội dung, biểu mẫu cung cấp thông tin tài chính năm 2018 của các cơ quan quản lý (Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ NSNN...) để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai, thực hiện.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2019, triển khai khai thí điểm và chính thức vận hành hệ thống (giữa tháng 7/2019); đào tạo, tập huấn cho cán bộ liên quan tại các cơ quan quản lý nhà nước; cho công chức là người sử dụng chính tại KBNN cấp tỉnh.

Tháng 01/2020, tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc và trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cùng Báo cáo quyết toán NSNN (tháng 3/2020); báo cáo Quốc hội (tháng 5/2020).

Đối với KBNN địa phương

Chủ động triển khai các hoạt động lập BCTCNN theo quy định, trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính địa phương trong việc đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin khẩn trương hoàn thiện, gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2018 cho KBNN đồng cấp; phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai về KBNN để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; để hoàn thành lập Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện năm 2018 và BCTCNN tỉnh năm 2018, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh phù hợp quy định hiện hành (trong tháng 11-12/2019).

Để lập thành công BCTCNN, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, toàn hệ thống KBNN cần tiếp tục đồng lòng, quyết tâm khẩn trương triển khai, lập BCTCNN; trong đó, đặc biệt tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức. Việc lập thành công BCTCNN sẽ không chỉ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của KBNN trong nền tài chính công quốc gia mà quan trọng hơn là đặt nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam để tiến đến một nền tài chính ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế./.