“Tôi không biết nhựa số mấy an toàn cho sức khỏe của mình”

Tham quan triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” và chơi trò chơi, khách hàng được hướng dẫn, hỗ trợ bởi các bạn tình nguyện viên - nhóm thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Từ đó, rất nhiều khách hàng đã hiểu thêm về rác thải nhựa và có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Nhắc đến vị trí thường xuất hiện của mã nhựa, một khách hàng đã chia sẻ: “Ôi chị dùng nhựa mà trước giờ không quan tâm đến mã nhựa ở đâu, nên cũng không biết nhựa số mấy an toàn với sức khỏe của mình”. Một số khách tham quan khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. Để giúp khách hàng có khả năng nhận diện mã nhựa, tình nguyện viên tại triển lãm đã cùng khách hàng thực hành tìm mã nhựa trên chính các sản phẩm nhựa quanh họ và giải thích về mức độ an toàn của chúng.

Không chỉ vậy, phần lớn khách tới triển lãm nhận thức mơ hồ về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người. Những câu trả lời quen thuộc thường là “ảnh hưởng gì nhỉ?”, “mắc bệnh nhưng bệnh gì thì không rõ”, “chỉ gây ô nhiễm môi trường thôi”,v.v.

Trong khi đó, để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người, nhận thức chính là then chốt. Nhưng qua triển lãm “Khi nhựa lên tiếng”, có thể thấy rằng người tiêu dùng vẫn đang thiếu hụt hiểu biết về vấn đề này. Vì vậy, nhóm bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã dành thời gian trò chuyện để có thể lồng ghép kiến thức về tác hại của nhựa đối với con người như ung thư, vô sinh. Đặc biệt, mối nguy hại ấy có thể không đến ngay lập tức mà sẽ ảnh hưởng dần dần từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Giờ chị mới biết, khi chúng ta xả rác nhựa bừa bãi, cá sẽ ăn phải, và khi chúng ta ăn cá, chúng ta lại ăn nhựa” - một khách tham quan nói, sau khi được tình nguyện viên giới thiệu về hai tác phẩm “Nhà hàng nhựa sản” của tác giả Bùi Vân Anh và “Liệu sinh vật này có thật sự tồn tại?” của tác giả Nguyễn Hoàng Mạnh Khang, thuộc hạng mục Truyện tranh, tranh vẽ, poster, ảnh chụp. Hai tác phẩm này nói về những ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa đối với ngành thực phẩm và sinh vật biển.

Hay khi nhận được câu hỏi “Nhựa phân hủy hay phân rã?”, câu trả lời mà tình nguyện viên được nghe là: “Theo mình, nhựa không thể phân hủy được, còn phân rã thì lần đầu mình nghe nên không rõ lắm” Lầm tưởng rằng rác thải nhựa cũng có khả năng phân hủy như rác thải hữu cơ, khách tham quan đưa ra các con số từ vài năm đến vài chục năm, thậm chí là vài nghìn năm để nói về thời gian phân hủy của nhựa.

Ngoài ra, một số khách tham quan triển lãm có quan điểm “Nhựa thì xấu, cần loại bỏ, thay thế nhựa bằng giấy.” Thực tế, nhựa, giấy hay bất kì vật phẩm nào bị sử dụng quá mức cũng sẽ gây ra những hệ lụy phức tạp. Có lẽ chúng ta cần nhớ rằng nhựa là “con cưng” khi ra đời bởi khả năng “cứu” những tài nguyên quý hiếm như ngà voi, ngọc trai.

Tuy nhiên, sau khi lắng nghe giải thích từ phía tình nguyện viên, hầu hết khách hàng đều cảm thấy mình đã được củng cố thêm nhận thức về nhựa, họ bộc lộ rõ niềm vui, sự thích thú.

Thông qua các hoạt động, triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” muốn nhắn nhủ tới người tiêu dùng rằng nhựa không xấu, vấn đề chính nằm ở hành động của mỗi chúng ta. Vì sự khỏe mạnh của mỗi cá nhân và cộng đồng, hãy cùng nhau giảm thiểu sử dụng nhựa!

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Tập đoàn TH tổ chức chuỗi triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” tại cửa hàng TH true mart Hoàng Quốc Việt, TH true mart Times City và TH true mart Royal City từ 7/1 đến 23/1/2022. Tổng số khách tham quan trong 9 ngày là 313 người. Triển lãm trưng bày 17 sản phẩm xuất sắc vào vòng Chung kết cuộc thi thiết kế các sản phẩm truyền thông sáng tạo về môi trường “Khi nhựa lên tiếng”. Bên cạnh đó, các hoạt động như trò chơi, thử thách giảm thiểu rác thải nhựa cũng được tổ chức tại ba cửa hàng và trên fanpage TH true mart.

Triển lãm có sự đồng hành của nhóm Mắt Xanh – Thanh niên vì Môi trường và các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Với thông điệp “Hãy tái sử dụng tôi”, triển lãm hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường; thúc đẩy túi tái sử dụng để loại bỏ túi ni-lông dùng một lần tại các chuỗi bán lẻ, hướng tới tiêu dùng bền vững.