Chúng tôi đã thề nguyền sẽ cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong đời, nhưng riêng về tiền bạc, tôi tuyệt đối không hé răng một lời cho chồng biết tôi kiếm được bao nhiêu và số tiền tôi có nhiều tới mức nào. Tôi coi tiền tôi kiếm được là của tôi và gửi nó vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, để chi tiêu bất cứ thứ gì tôi thích.
Ngay sau khi cưới, tôi và ông xã đã thống nhất quan điểm về tiền bạc. Hơn chục năm sống chung, tôi và anh chưa bao giờ cãi nhau về tiền. Cảnh tượng anh chồng chì chiết cô vợ vì “dám” vác về một chiếc túi xách xa xỉ hay cô vợ cằn nhằn mãi không thôi việc anh chồng sa đà vào thú vui cờ bạc khiến tiền mất tật mang. Nhưng gia đình tôi chưa từng có cảnh đó.
Tôi tiêu những gì mà tôi kiếm được, và những gì tôi kiếm được là việc của tôi. Chống tôi biết điều đó và anh tỏ ra khá hài lòng với sự sắp xếp này. Anh không hề biết tôi kiếm được bao nhiêu, mặc dù có thể đôi lần anh cũng đưa ra phỏng đoán và tìm cách xác thực. Tôi luôn duy trì nguyên tắc “cần mới biết” và chồng tôi, cho tới thời điểm này, vẫn không cần phải biết nên tôi cũng chẳng phải nhọc công giấu diếm làm gì.
Mọi chi tiêu trong gia đình, chi phí cho bọn trẻ, các kỳ nghỉ và việc họ hàng đều được chia đôi, không bàn cãi gì. Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Như năm trước, khi chiếc nồi hơi bỗng dưng dở chứng, mà tôi lại có một tháng thu nhập rất khá nên tôi lấy tiền của mình mua ngay chiếc mới, thay thế chiếc cũ trước khi chồng đi làm về. Anh ấy cũng làm tương tự nếu có sự cố xảy ra.
Đó là lý do tôi cảm thấy mình đã làm đúng khi cuối tuần qua, tôi đọc được một nghiên cứu cho thấy ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chia sẻ cách nghĩ về tiền bạc như chúng tôi. Một nửa trong số những đôi được hỏi cho biết họ không rõ bạn đời của mình kiếm được bao nhiêu.
Các bạn có thể đặt câu hỏi: Tôi chặt chẽ về tiền bạc của mình như vậy, còn tiền ông xã kiếm được, tôi có quan tâm không? Tất nhiên là có. Tôi phải thừa nhận, tôi biết rõ anh ấy có bao nhiêu tiền trong tài khoản và thậm chí dùng tiền chi tiêu việc gì.
Không lâu sau khi cưới, tôi tình cờ biết được mật khẩu tài khoản ngân hàng trên mạng của anh. Và từ đó, tôi thường kiểm tra xem tình hình tài chính của chồng thế nào. Dù vậy, tôi không bao giờ soi xét tới từng khoản tiêu pha của anh, hay cằn nhằn anh vì “tội” bỏ ra mấy chục triệu để tậu một chiếc xe Dream Thái xịn (xin lỗi anh yêu, thực ra là em biết hết đấy).
Tôi chỉ kiểm tra để chắc chắn rằng mọi việc cũng ổn. Ông xã cũng biết việc tôi theo dõi anh nhưng không tỏ thái độ phiền lòng gì. Tôi cũng biết anh còn có tài khoản này kia nhưng không rõ cụ thể thế nào. Riêng việc biết có những khoản đó cũng khiến tôi thấy an lòng rồi.
Có một lý do khác khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi cho tới thời điểm này vẫn vô cùng suôn sẻ: cả tôi và ông xã đều khá giống nhau về tư tưởng, cách nghĩ, lối sống… Tôi thực sự không cho rằng có thể sống hòa thuận, êm ấm với người không cùng quan điểm về tiền bạc với tôi.
Có thể nói, truyền thống một gia đình trung lưu với những người phụ nữ luôn tằn tiện, luôn biết giữ cho riêng mình một khoản nhất định, phòng những trường hợp xấu nhất, đã có tác động sâu sắc tới cách sống của tôi.
Mẹ tôi, bà tôi, cụ tôi đều có “quỹ đen” cho mình, để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của họ và cho chính những đứa con thân yêu. Họ luôn xác định phải làm việc hết sức vì bản thân mình, để không phụ thuộc tài chính vào chồng.
Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình lại dạy tôi thêm một bài học quý giá về tầm quan trọng của những kiểu “ngân quỹ dành cho khủng hoảng” ấy. Đó là thời điểm trước khi gặp ông xã tôi bây giờ, ba tôi bất ngờ ra đi sau một tai nạn giao thông. Nhưng với sự lo xa chu toàn của mẹ, hai anh em tôi vẫn được đảm bảo một cuộc sống bình thường.
Nhiều người nói tôi quá chặt chẽ về tiền bạc. Rằng cuộc sống ngắn ngủi lắm, tôi nên học cách hưởng thụ đi là vừa. Một khi nhắm mắt xuôi tay, tiền bạc cũng chẳng mang theo được.
Vâng, tôi thực sự tận hưởng cuộc sống với những gì mà tôi kiếm được đó chứ. Nhà cửa khang trang, những kỳ nghỉ tuyệt vời, đôi lúc tự chiều chuộng bản thân bằng những thứ tôi thích. Việc ông xã không bao giờ dò hỏi từng khoản chi tiêu hay nhận xét nọ kia cũng giúp tôi thấy thật thoải mái. Và nhất là, nếu điều gì xấu nhất có xảy ra, với quỹ khủng hoảng của mình, tôi tin tôi vẫn ổn.