Tọa đàm 'Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa?'

TPO - Sáng 17/12,  tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (số 300A đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TPHCM), Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề  “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa?".
Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa"

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

17/12/2020 10:02

Nhà báo Lý Thành Tâm phát biểu.

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng Đại diện báo Tiền Phong TPHCM cho biết, thời gian gần đây, đời sống kinh tế, tinh thần càng khá hơn, người dân quan tâm tới vấn đề sức khỏe rất niều.

“Bệnh tật là vấn đề người dân, đặc biệt người trẻ rất quan trong bởi đột quỵ ở người trẻ càng báo động. Đây chính là lý do để báo Tiền Phong đã phối hợp cùng ĐH Nguyễn Tất Thành với sự đồng hành của Bệnh viện SIS Cần Thơ và Bảo hiểm Prudential tổ chức tọa đàm “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - Giải pháp nào để phóng ngừa”. Tại toạ đàm các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực điều trị đột quỵ, tim mạch sẽ chia sẻ những giải pháp để phòng ngừa, cũng như làm thế nào để có cuộc sống lành mạnh trong thời buổi hiện nay” – Nhà báo Lý Thành Tâm cho biết.

“Đột quỵ là chủ đề được bạn đọc quan tâm rất lớn, trong đó có các bạn sinh viên” - Ths Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ và theo ông toạ đàm này giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về bệnh đột quỵ, từ đó hiểu cách phòng tránh để bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt là trong những mùa thi thức đêm khuya nhiều.

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Thành viên Hội Can thiệp thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho rằng, thời gian qua vấn đề đột quỵ được quan tâm đặc biệt.

TS.BS Trần Chí Cường

“Hiện nay trên thế giới hiện nay dân số thế giới mắc bệnh đột quỵ hơn 10 triệu người mỗi năm, tỉ lệ tử vong cao hơn cả căn bệnh ung thư. Đây là căn bệnh gây nhức nhối cho dân số thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam có gần 200.000 người mắc đột quỵ mỗi năm, tỷ lệ tử vong chiếm 20% trong số này” – BS Cường cho biết.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, yếu tố thời gian vàng là vấn đề nan giải để cứu chữa kịp thời người bệnh đột quỵ. “Bệnh nhân đến trước 3-6 giờ thì điều trị thành công nhưng càng đến trễ thì khả năng cứu chữa thấp đi” - BS Cường nói và cho biết thêm, hiện nay người trẻ chưa quan tâm nhiều lắm đến căn bệnh này vì cho rằng còn trẻ, căn bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Theo bác sĩ Cường đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi đột quỵ hiện nay chúng ta đang đối mặt với đột quỵ ở những người trẻ, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 40 tuổi. Phần lớn liên quan đến rất nhiều yếu tố như cách sống, thói quen sinh hoạt…

PGS.TS.BS Phạm Hoài Nam- Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh chia sẻ tại tạo đàm

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh cho rằng, ông chưa thấy công trình khoa học nào nói người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng, đây chỉ là cảm tính chứ chưa có thống kê chính thức nào.

“Người lớn tuổi đột quỵ là do sơ vữa động mạnh, người trẻ là do dị dạng mạch máu não. Chúng ta phải phân biệt rõ, đột quỵ và đột tử. Nguyên nhân của đột quỵ là do ăn uống, di truyền… Người trẻ muốn kiểm tra đột quỵ thì cần phải chụp MRI. Triệu chứng đột quỵ của người trẻ chỉ là thoáng qua nên nhiều người không để ý” – BS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Sinh viên quan tâm đến sức khỏe tại tạo đàm

TS.BS Trần Chí Cường nêu ví dụ, dị dạng mạch máu não thường xảy ra ở độ tuổi dưới 18 tuổi, đây phần lớn là dị dạng bẩm sinh. Những trường hợp sau này nên kiểm tra dù tuổi nhỏ như những cơn mất ít thức thoáng qua, cơn động kinh ở những trẻ nhỏ, nhức đầu kéo dài ở người trẻ (nhức đầu này không liên quan đến áp lực học hành) mà nhức đầu ở mọi lúc mọi người, dấu hiệu tê yếu tay chân… Nếu có những dấu hiệu này thì nên đi đến bệnh viện kiểm tra chứ không nên lơ là chủ quan.

17/12/2020 10:04

17/12/2020 11:36

Là một người rất quan tâm đến sức khỏe, Ca sĩ Chí Thiện chia sẻ, bản thân cũng chỉ hiểu biết về căn bệnh đột quỵ từ những thông tin trên mạng Internet. “Người trẻ thường có những thoái quen xấu như ăn uống không điều độ, tắm đêm, giờ giấc sinh hoạt thất thường, nhất là thức khuya…thì có nguy cơ dẫn đến đột quỵ hay không?” - Ca sĩ Chí Thiện gửi thắc mắc đến các vị chuyên gia buổi toạ đàm. 

Hội trường gần như không còn một chỗ trống tại tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức ngày 17/12

Buổi tọa đàm càng thêm sôi nổi khi nhiều sinh viên đặt nhiều vấn đề liên quan đến đột quỵ. Đặc biệt là sau sự ra đi đột ngột của một nghệ sĩ nổi tiếng gần đây, vấn đề đột quỵ được các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn.

Bạn Khắc Duy (khoa Y, trường ĐH Nguyễn Tất Thành) tâm sự: “Những ngày gần đây, em thường đọc báo để theo dõi thông tin về đột quỵ. Ngoài học hành căn thẳng, đi bệnh viện thực tập về khuya nên phải tắm trễ, em còn có nhiều thói quen không tốt. Em mong bác sĩ cho lời khuyên để tránh đột quỵ” .

Ca sĩ Chí Thiện  rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, đặc biệt là làm cách nào để phòng ngừa đột quỵ

TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, Khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, đột quỵ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên chúng ta vẫn phòng ngừa được. Những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được ở người trẻ, theo TS Tuấn, là nên có lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống và sinh hoạt điều độ… là cách phòng ngừa đột quỵ tích cực nhất. Bên cạnh đó, nếu chúng ta có những dấu hiệu nghi ngờ thì nên đi thăm khám để kịp thời phát hiện, điều trị.  

“Khi đột nguỵ ở người trẻ thì dẫn đến gánh nặng cho gia đình, xã hội rất lớn bởi người trẻ có nhiều trọng trách trong cuộc sống” - TS Tuấn nói.

Về câu hỏi “thử thách đứng một chân để phòng ngừa đột quỵ đang lan truyền trên mạng”, BS CK2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho rằng: “Hiện tại, cộng đồng mạng đang có thao tác rất “nóng” là đứng 1 chân, giang hai tay, nhắm mắt lại, giữ thăng bằng trong 20 giây. Nếu không đứng được 20 giây thì có nguy cơ bị đột quỵ. Khi người ta chụp CT, MRI thì thấy những người không đứng được 20 giây thì có những tổn thương động mạch máu não nhỏ.
BS CK2 Huỳnh Thanh Ân

Ở đây tôi không nói đúng hay sai, các nhà khoa học cũng chưa có kết luận. Tôi nghĩ, việc giữ thăng bằng không chỉ có não mà còn nhiều bộ phận khác và cả hệ thống cơ xương khớp. Đánh giá vấn đề, mình phải bao quát tất cả các bộ phận trong cơ thể chứ không chỉ có đứng được 20 giây để nói rằng có hay không nguy cơ đột quỵ”.

Theo TS. BS Trần Chí Cường, sau 2 năm hoạt động ở Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, có thể đúc kết, ở khu vực miền Tây có khoảng 30.000 người đột quỵ/năm. Số lượng bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu được trong thời gian vàng là 20%. Để cấp cứu kịp thời trong giờ vàng cần phải nhận diện dấu hiệu, đưa đi cấp cứu, chuyển viện lên tuyến chuyên môn làm chậm quá trình đột quỵ.

Sinh viên giao lưu cùng ca sĩ Chí Thiện

“Thống kê tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho thấy, đột quỵ ở người trẻ từ 40 tuổi trở xuống trong nam giới chiếm tới 80%. 100% là có hút thuốc lá hơn 1 gói 1 ngày, thường xuyên ăn nhậu. Tắm trễ không liên quan đến đột quỵ. Các bạn cần phải lưu ý, một ngày đi bộ bao nhiêu bước, có ngủ đủ giấc hay không, chế độ ăn như thế nào, uống bia bao nhiêu lần/tuần, theo dõi chỉ số cân nặng, huyết áp”, ông Cường nói.

TS. BS Trần Chí Cường cho biết thêm, ăn trễ, ít vận động là nguyên nhân khiến đột quỵ ở nguời trẻ. Ngoài ra, đường huyết tăng, béo phì cũng là nguyên nhân gây đột qụy. Khi đi nước ngoài, chúng ta vận động rất nhiều do đi bộ. Còn ở Việt Nam, đi chút xíu là leo lên xe – đây là một thói quen không tốt.

17/12/2020 11:45

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh cho biết, vấn đề điều trị đột quỵ đã tiến bộ theo từng năm cùng với sự phát triển của y học. 

BS Nam cho rằng, ngày nay sự phát triển của y học, đột quỵ được can thiệp điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, can thiệp động mạch… thay cho phương pháp mổ truyền thống. Phương pháp này hỗ trợ và điều trị bệnh đột quỵ có tỷ lệ thành công và cứu sống bệnh nhân cao hơn. 

Anh Đinh Hùng Tới đặt câu hỏi tại tọa đàm

Tuy nhiên, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, hiện nay trong y học đã có thuốc chính thống hỗ trợ điều trị đột quỵ. Vấn đề này rất mong người dân đừng nhầm lẫn với các loại thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc trôi nổi trên thị trường như đồn thổi trong thời gian vừa qua về loại thuốc uống vào điều trị, ngăn ngừa được bệnh đột quỵ.

“Hiện nay trong y học đã có loại thuốc tiêm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang sử dụng đó là thuốc dạng tiêm: Tiêu sợ huyết (hơn 10 triệu đồng một liều tiêm)” - TS.BS Trần Chí Cường thông tin. 

Hội trường chật kín đại biểu tham gia

BS CK2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM nhấn mạnh, điều trị đột quỵ cần nhất là “giờ vàng”, qua “giờ vàng” sẽ để lại di chứng rất nặng nề. TPHCM có 2 bệnh viện điều trị hậu đột quỵ là Viện Y dược học Dân tộc TPHCM và Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM. Điều trị đột quỵ bằng châm cứu, không phải cứ lấy kim, biết huyệt là châm cứu mà phải đi khám, xem bệnh đó là gì rồi mới châm cứu. Ở Viện Y dược học Dân tộc TPHCM còn có xoa bóp, day ấn huyệt sẽ làm thông kinh mạch, giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

“Chúng tôi kết hợp đông tây y để điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Tôi mong qua chương trình này, các bạn sinh viên xem lại, đánh giá gia đình, bạn bè có ai bị dấu hiệu đột quỵ hay không, rồi chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế có thể điều trị được đột quỵ” - ông Ân nói.

BS CKI Lê Công Trí, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết, bệnh viện đã triển khai điều trị đột quỵ hoàn chỉnh được 4 năm. Quá trình xây dựng được một đơn vị điều trị đột quỵ cấp cần rất nhiều điều kiện như máy móc, đào tạo bác sĩ, bộ máy vận hành, các đơn vị trong bệnh viện phải phối hợp nhịp nhàng.

BS Lê Công Trí, bệnh viện quận Thủ Đức

Điều trị đột quỵ là chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Quan trọng nhất là cải thiện nhận thức của người dân. Tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, có nhiều bệnh nhân đưa vào cấp cứu bị tốn rất nhiều thời gian chữa bằng các phương pháp dân gian như nặn, chích máu, nhỏ chanh vào miệng… - BS Trí cho biết.

BS CKI Lê Công Trí cho biết thêm, các biểu hiện của đột quỵ là nói chuyện khó khăn, bị méo mặt, bị yếu tay chân cùng 1 bên, đau đầu nôn ói nhiều. Hiện tại, bệnh viện có 1 số chương trình như là CLB bệnh nhân đột quỵ, tờ rơi tại phòng khám, các kênh truyền thông của bệnh viện như website, facebook…

TS. BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Thành viên Hội Can thiệp thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Ti mạch Cần Thơ cho biết, bệnh viện có 2 khóa đào tạo về đột quỵ. Thứ nhất là khóa 6 tháng cho các bác sĩ mới vào nghề. Còn bác sĩ can thiệp mạch thần kinh thì phải học thêm 1 năm nữa.

“Tôi hi vọng trong 10 năm tới, tất cả bệnh viện tuyến tỉnh sẽ có đơn vị điều trị đột quỵ cấp”, ông Cường nói. Tuy nhiên, TS. BS Trần Chí Cường lo lắng, kinh phí trang bị máy móc điều trị đột quỵ là vấn đề nan giải. Để 1 điều trị đột quỵ cấp, cần có 3 loại máy móc là máy chụp CT, 1 máy MRI, máy can thiệp mạch với tổng giá trị 150 tỷ đồng.

Do đó, cái chúng ta cần làm hiện nay là phải phối hợp với nhau, tổ chức hội thảo, trao đổi thông tin để chuyển bệnh nhân đến đúng nơi điều trị tốt. Tin vui cho ngành y tế, Việt Nam là điểm sáng về đào tạo đột quỵ.

TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, khoa Y Đại học Nguyễn Tất Thành

Với câu hỏi nếu bệnh nhân hôn mê thì gia đình phải xử trí thế nào? TS Nguyễn Văn Tuấn tư vấn, nếu bệnh nhân hôn mê thì cứ đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Điều trị đột quỵ là cả một quá trình lâu dài, ban đầu là điều trị can thiệp, sau đó phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa. Đồng thời điều trị cả các di chứng do đột quỵ như động kinh, liệt nửa người, trầm cảm, rối loạn lo âu…

BS Trần Chí Cường lưu ý thêm, bệnh nhận đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn lần trước. Do đó việc tìm ra nguyên nhân thủ phạm rất quan trọng, có những bệnh nhân bị đột quỵ 3-4 lần mới tìm được nguyên nhân.

“Chúng ta phải làm sao để tìm ra nguyên nhân chứ không cần thiết 100% bệnh nhân phải làm MRI. Đôi lúc nguyên nhân do tâm lý xã hội, huyết áp cao… Cách đơn giản nhất là tự bắt mạch cổ tay xem trong vòng 1 phút để biết mạch có đều không để xác định bệnh nhân có rối loạn nhịp tim. Tôi cũng lưu ý rối loạn nhịp tim cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ” – BS Cường nói.

Sau gần 4 giờ diễn ra tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều giải pháp cũng như biện pháp phòng ngừa, tự khám sức khỏe cho chính mình và người nhà để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Buổi tọa đàm kết thúc nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi của các sinh viên gửi đến chuyên gia. Các câu hỏi sẽ được báo Tiền Phong tiếp tục trả lời đến bạn đọc trong những bài sau.

Thời gian gần đây, đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ não, khoảng năm triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và năm triệu người tử vong.

Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019 cho biết, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới…

Trước thực trạng này, Báo Tiền Phong- Cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS HCM, là diễn đàn của giới trẻ phối hợp cùng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - giải pháp nào để phòng ngừa?”. Chương trình có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia, bác sĩ, sinh viên...

 -  Thời gian: 8h30 ngày 17/12/2020 

 -  Địa điểm: Hội trường Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ở số 300A đường Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TPHCM. 

Khách mời tọa đàm gồm:

- TS- BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Thành viên Hội Can thiệp thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

- PGS- TS- BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh.

-  TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, Khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành

-  BSCK II Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM

-  BSCK I Lê Công Trí, Bệnh viện Quận Thủ Đức

-  Ca sĩ Chí Thiện

Chương trình tọa đàm trực tuyến sẽ phát trên báo Điện tử Tiền Phong (tienphong.vn), kênh Youtube và trên fanpage của báo Tiền Phong, fanpage Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và các đơn vị khác…

Bạn đọc Báo Tiền Phong quan tâm đến chủ đề tọa đàm, đặt câu hỏi cho các khách mời gửi về địa chỉ email: nguyendung.tienphong@gmail.com