Tình tiết mới vụ làm khống 57 hồ sơ ở tòa án huyện

TPO - Theo giải trình của lãnh đạo TAND huyện Đắk Song với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, 57 bộ hồ sơ khống này đều do nữ thẩm phán Bùi Thị Dung tạo lập nhằm mục đích để được tái bổ nhiệm ở nhiệm kỳ tiếp theo. Thế nhưng, ngay cả Chánh án, Phó chánh án và các thẩm phán khác của tòa này lại “đóng vai diễn” xét xử tới 37 hồ sơ khống. 
Trụ sở TAND huyện Đắk Song, nơi lập 57 bộ hồ sơ khống

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, năm 2016, TAND huyện Đắk Song (Đắk Nông) thụ lý, giải quyết 57 vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản do 3 người đứng tên, gồm: ông N.T.V (trú tại xã Trường Xuân), ông L.H.K (trú tại xã Nam Bình) và ông N.V.H (trú tại xã Nâm N’jang).

Tất cả hồ sơ trên đều do bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Thẩm tra viên, trực phòng tiếp dân tiếp nhận, đưa vào sổ, nhưng không ghi chép thời gian nhận đơn.

Các đơn khởi kiện được chuyển đến ông Nguyễn Xuân Triệu – lúc đó là thẩm phán xem xét, xử lý. Ông Triệu đã ký, ban hành giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí. Còn ông Phạm Văn Phiếm ra các thông báo về việc thụ lý giải quyết đơn thư của 3 người nêu trên.

Đáng chú ý, toàn bộ 57 đơn khởi kiện và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí đều do bà Bùi Thị Dung, nguyên Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song (đã nghỉ việc từ 1/4/2017) chuyển trực tiếp cho bà Huệ.

Sau khi hồ sơ được tạo lập, từ tháng 5 đến tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó Chánh án, thay mặt Chánh án TAND huyện Đắk Song ký các quyết định phân công các thẩm phán Bùi Thị Dung xét xử 20 vụ; bà Âu xét xử 12 vụ; thẩm phán Nguyễn Xuân Triệu xét xử 9 vụ; ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án và thẩm phán Phan Xuân Hoàng mỗi người xét xử 8 vụ.

Quá trình kiểm sát, Viện KSND huyện Đắk Song nhận thấy một số cán bộ TAND huyện này có dấu hiệu vi phạm về việc thụ lý, giải quyết án dân sự nên đã xác minh và có báo cáo gửi Viện KSND tỉnh.

Kết quả xác minh thể hiện, những hồ sơ được TAND huyện Đắk Song thụ lý giải quyết, các nguyên đơn và bị đơn đều không có thực ở nơi cư trú, hoặc có người tìm được đúng địa chỉ như trong đơn nhưng lại phủ nhận việc kiện cáo này.

Thế nhưng, sau đó đoàn liên ngành gồm Viện KSND và TAND tỉnh vào cuộc lại kết luận dù vụ việc vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, song do cấp dưới vi phạm lần đầu, không gây thiệt hại, thành khẩn, nhận khuyết điểm và tích cực khắc phục vi phạm nên không xử lý kỷ luật ai, chỉ yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, giải trình của TAND huyện Đắk Song cho rằng nguyên nhân sai phạm xuất phát từ việc bà Bùi Thị Dung do chuẩn bị tái bổ nhiệm thẩm phán nhưng có tỉ lệ án hủy vượt mức quy định 1,16% nên đã tự nộp đơn khởi kiện không có tranh chấp thực tế, tự bỏ tiền nộp tạm ứng án phí, sau đó rút đơn khởi kiện nhầm nâng cao số lượng án giải quyết.

Phát hiện sai phạm này, ngày 31/7/2020, TAND Tối cao đã yêu cầu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí công tác những công chức, thẩm phán vi phạm liên quan việc tạo lập 57 hồ sơ khống.

Trên cơ sở đó, ngày 24/9/2020, TAND tỉnh Đắk Nông mới ban hành kết luận sai phạm, điều chuyển ông Phiếm từ Chánh án TAND TP. Gia Nghĩa về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức. Các cán bộ khác cũng bị điều chuyển vị trí công tác.

Như Tiền Phong đã đưa tin, tại kỳ họp vừa qua, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã thống nhất kỷ luật 3 cán bộ đang công tác trong ngành toàn án vì đã để cấp dưới lập 57 hồ sơ khống.

Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án TAND huyện Tuy Đức, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chánh án TAND huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song và ông Nguyễn Xuân Triệu, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song.