Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT, Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương và tất cả các tỉnh thành trên cả nước về lưu thông hàng hóa vào chiều 25/8. Tại cuộc họp trên, các bộ ngành và địa phương đều ghi nhận tình hình lưu thông hàng hóa trên cả nước đã thuận lợi, bớt ùn tắc.
Duy nhất vướng mắc tại TP.Cần Thơ, với các quy định phòng chống dịch “không giống ai”, khi yêu cầu xe chở hàng phải qua trung chuyển, đổi lái, gây ùn tắc tại các cửa ngõ vài ngày gần đây. Thậm chí, sáng 25/8, có xe chở bình ôxy từ TPHCM đi Sóc Trăng đã bị ách lại ở Cần Thơ do không được đi qua, trong khi địa phương đang cạn nguồn ôxy. Sau đó lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng phải gọi điện cho bộ trưởng Bộ GTVT để nhờ can thiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè giải thích, quy định phải chuyển tải, đổi lái xe chỉ áp dụng với xe chở hàng có điểm giao/nhận trong địa bàn TP.Cần Thơ, những xe chỉ đi qua vẫn được tạo điều kiện. Trong đó, lượng xe vào TP.Cần Thơ giao nhận hàng khoảng 2.500 xe/ngày, xe đi qua khoảng 800 xe/ngày.
Theo ông Hè, nếu không kiểm soát chặt lái xe sẽ khó phòng chống dịch bệnh, Chính phủ cũng cho phép địa phương quy định theo thực tế để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa lưu thông hàng hóa. Lái xe đi qua chỉ cần thông báo, không phải xin phép hay thêm giấy phép con, thêm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có một số thời điểm lượng xe đông, các cửa ngõ, tuyến đường bị ùn tắc, ông Hè mong doanh nghiệp, người dân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thể lập tức đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.Cần Thơ, tại sao nhiều địa phương khác cũng phòng chống dịch rất hiệu quả, vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, với hàng chục nghìn xe qua lại mỗi ngày, như Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng... Thậm chỉ cả TPHCM, dù áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, xe chở hàng hóa vẫn lưu thông thuận lợi. Chỉ duy nhất Cần Thơ ùn tắc, trong khi lượng xe qua lại chỉ 2-3 nghìn mỗi ngày.
“Cần Thơ là đầu mối giao thông, với nhiều tuyến đường tới các địa phương khác bắt buộc phải đi qua, nếu có đường khác đã không phải đi qua Cần Thơ làm gì. Làm vậy có được không, ngăn chặn được điều gì, trong khi các điểm ùn tắc là nơi tập trung, nguy cơ lây lan dịch bệnh còn cao hơn”, ông Thể nói và đề nghị TP.Cần Thơ dừng ngay các yêu cầu phi lý trên.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành GTVT cũng đề nghị các địa phương không yêu cầu thêm giấy tờ, thủ tục ngoài hướng dẫn của Bộ GTVT và Bộ Y tế, bỏ yêu cầu giấy đi đường với lái xe lưu thông qua nhiều tỉnh thành. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, việc địa phương thêm thủ tục là thêm chi phí, khiến chính sách hỗ trợ của Chính phủ không còn ý nghĩa, trong khi hàng hóa ứ đọng, sản xuất khó khăn.
“Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo, từ nay tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu dù phục vụ sinh hoạt hay sản xuất cũng như nhau, chỉ trừ hàng cấm. Mọi tuyến đường đều là luồng xanh, dù cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hay đường thôn, xã không phân biệt. Tất cả xe chở hàng đều được lưu thông, nhưng xe có thẻ nhận diện mã QR được ưu tiên nhanh nhất qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, tiền kiểm và hậu kiểm tại nơi giao nhận hàng, hạn chế kiểm tra trên đường. Xe không có thẻ nhận diện mã QR cũng được lưu thông bình thường, nhưng sẽ chịu kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn. Các địa phương cần thống nhất theo đó thực hiện, không quy định thêm”, ông Thể nói.
Theo Tổng cục Đường bộ, tới nay hệ thống cấp thẻ nhận diện có mã QR đã cấp giấy cho hơn 346.000 ô tô chở hàng trên toàn quốc. Hiện hệ thống phần mềm này đã được nâng cấp lên mức độ 4, xe đăng ký sẽ được xét duyệt tự động và trả kết quả ngay, không có con người can thiệp. Cơ quan này đã làm việc với Bộ Công an để chuẩn bị chuyển giao hệ thống này cho ngành công an quản lý, cấp thẻ và xử lý vi phạm.
Ngày 24/8, Bộ GTVT cũng có Quyết định 1570/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời tổ chức giao thông, kiểm soát dịch với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Hướng dẫn này áp dụng thống nhất trên toàn quốc, thay thế các hướng dẫn “rải rác” trước đó.