Với chủ đề “Bảo hiểm cho mọi người”, VAC 2022 không chỉ cập nhật các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực bảo hiểm, mà còn thảo luận loạt giải pháp nhằm gia tăng phạm vi tiếp cận bảo hiểm cho tất cả khách hàng.
Bên cạnh sự góp mặt của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Hiệp hội Định phí Hoa Kỳ (SOA), VAC 2022 quy tụ đông đảo cộng đồng các chuyên gia định phí bảo hiểm (Actuary) trên toàn thị trường với hơn 300 chuyên gia định phí đến từ 18 công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước và nhiều đơn vị tái bảo hiểm quốc tế như RGA, Swiss Re, Gen Re, Pacific Life Re …
Ông Wayne Besant – CEO AIA Việt Nam cho biết: “AIA Việt Nam tự hào được đóng góp vào sự hình thành của cộng đồng định phí nói riêng và sự phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ trong nước nói chung. Giữa thời điểm bảo hiểm phát triển mạnh mẽ cả về quy mô hệ thống doanh nghiệp, danh mục sản phẩm đa dạng và phạm vi tiếp cận phổ biến nhờ công nghệ như hiện nay, mục tiêu của ngành bảo hiểm không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ phần ít dân số. Thay vào đó, mục tiêu tiếp cận gần hơn đến cuộc sống của mọi người dân đã trở thành định hướng phát triển của toàn ngành, tác động đến đặc tính sản phẩm của từng doanh nghiệp”.
Để đạt được điều này, ông Lê Thành Nam – Phó Tổng Giám đốc Tài chính AIA Việt Nam nhấn mạnh vai trò của những người làm định phí: “Để không ai bị bỏ lại phía sau, các chuyên gia định phí sẽ phải làm việc cật lực hơn để tạo ra nhiều dòng sản phẩm bảo hiểm sáng tạo đáp ứng từng nhu cầu cuộc sống và phù hợp với từng nhóm khách hàng, cân bằng quyền lợi giữa khách hàng và công ty.” Trong đó, các sản phẩm và quyền lợi liên quan đến tai nạn thương tật luôn thường trực, bệnh hiểm nghèo đang gia tăng, chi phí y tế ngày càng cao… sẽ được ngành quan tâm và chú trọng hơn cả”.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng sẽ tham gia Phiên toạ đàm “Bảo hiểm cho Mọi người”, được điều phối bởi ông Nguyễn Quang Duy – Giám đốc Định phí AIA Việt Nam. Nội dung Phiên tọa đàm xoay quanh những giải pháp bảo hiểm hiện đại phù hợp với nhu cầu của mọi người thời kỳ hậu Covid-19 và lạm phát tăng cao, những cách thức đưa bảo hiểm thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống và dễ dàng tiếp cận hơn, đồng thời Phiên tọa đàm cũng tạo cơ hội để các định phí viên giao lưu và phát triển cơ hội nghề nghiệp.
Ngày nay, trên hành trình hiện thực hóa sứ mệnh mang bảo hiểm đến với mọi người, người làm định phí phải có tư duy cầu tiến, luôn chủ động mở rộng hiểu biết. Nếu ngày xưa chỉ cần hiểu và biết xử lý dữ liệu thì ngày nay ngoài kỹ thuật, người làm định phí phải trang bị kiến thức về AI, Big Data… cũng như các kỹ năng mềm khác (thuyết trình, làm việc nhóm, đàm phán, quản lý, …) Ngoài ra, việc xử lý số liệu ngày nay có thể được tự động hoá, do đó vai trò của một người làm định phí đã được mở rộng, họ phải hiểu được hành vi tiêu dùng của khách hàng, hiểu được hành trình của khách hàng từ lúc mua cho đến lúc được chi trả, hiểu được cả các kênh phân phối chứ không chỉ là sản phẩm.
Ngoài ra, trong thời đại mới này, số hóa đóng vai trò quan trọng trong mọi ngành nghề, bao gồm cả ngành bảo hiểm nhân thọ. Khách hàng đang có xu hướng mua bảo hiểm trên các nền tảng trực tuyến nhiều hơn. Khảo sát mới đây của Swiss Re củng cố thêm điều này, khi có đến 92% người dùng Việt tự tin khi tự mua bảo hiểm online, chỉ có 8% cần tư vấn viên hỗ trợ. Điều quan trọng đối với các công ty bảo hiểm là phải biết cách chuyển hướng tiếp cận khách hàng sang nền tảng kỹ thuật số. Nắm bắt xu hướng này của thị trường, AIA Việt Nam cũng đang chuyển mình để quy trình tiếp cận khách hàng trở nên: đơn giản hơn, nhanh hơn và kết nối hơn.
Thông qua Phiên tọa đàm, AIA Việt Nam cũng chia sẻ những nỗ lực đáng ghi nhận trong những năm qua để đưa bảo hiểm đến mọi người với mục tiêu giúp cộng đồng “Sống Khỏe hơn, Lâu hơn, Hạnh phúc hơn”. Vượt qua các rào cản trong đại dịch, AIA Việt Nam không chỉ đẩy mạnh giao thức tư vấn không tiếp xúc bằng công nghệ 4.0 với khách hàng, mà còn hợp tác với Tiki đưa các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, chi phí y tế lên sàn giao dịch điện tử với mức phí bảo hiểm thấp chỉ từ vài trăm ngàn đồng/năm.