Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua. Tổng tiêu thụ nước ngọt đã tăng nhanh từ 1,59 tỉ lít năm 2009, lên 6,67 tỉ lít năm 2023 (tăng hơn 4 lần). Đặc biệt, mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009 - 2014 (20%/năm). Mức tăng trung bình khoảng 7%/năm ở giai đoạn 2015-2023 (trừ 2 năm COVID-19).
Đáng lo ngại tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên 66,5 lít/người năm 2023 (tăng 350%). Theo ước tính của Euromonitor (công ty nghiên cứu thị trường), tiêu thụ sẽ tăng trung bình 6,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023- 2028, tổng giai đoạn tăng 36,6%.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, kết quả từ các nghiên cứu có giá trị cho thấy sử dụng đồ uống có đường không hợp lí là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Việc tăng hoặc giảm tiêu thụ đường tự do (bất kể lượng đường là bao nhiêu) liên quan thuận chiều với thay đổi cân nặng. Đồ uống có đường làm tăng phản ứng kích hoạt của não với các tín hiệu về sự ngon miệng, từ đó kích thích ăn.
Ngoài ra, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường thường xuyên có thể gây ra đái tháo đường type 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa tim mạch, ảnh hưởng tới xương- răng, ảnh hưởng tới thận- tiết niệu… Đồng thời cũng làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não vào sa sút trí tuệ.
Xem xét áp thuế cao
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho hay, trong Báo cáo toàn cầu năm 2023 của WHO về thuế đồ uống có đường, áp thuế đồ uống có đường là một giải pháp can thiệp hiệu quả nhằm giúp giảm nhu cầu tiêu thụ và giảm sức mua do giá bán tăng. Giải pháp này hỗ trợ giảm lượng đường tự do nạp vào cơ thể.
Bộ Tài chính đã đưa đồ uống có đường vào là một mặt hàng đánh thuế trong dự thảo Luật Thuế tiêu thu đặc biệt (sửa đổi). Việc áp thuế đối với đồ uống có đường lần đầu tiên đưa ra trong dự thảo luật nên hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Bà Thuỷ cho rằng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đưa ra mức thuế suất 10% trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, theo tính toán, với mức thuế suất này chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ. Mức tăng này không đáng kể. Theo khuyến cáo của WHO, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ mặt hàng này cần phải tăng 20% trở lên. Do đó, Bộ Y tế đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình).
Chung quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng nên xem xét áp dụng lộ trình tăng thuế hằng năm để thuế đồ uống có đường ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho tương lai. Đồng thời, nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường (như dán nhãn mặt trước, cấm quảng cáo…).