Tiết lộ rúng động về vụ đánh bom ga tàu Brussels

Washington Post hôm 12/5 dẫn nguồn thạo tin cho biết, vụ đánh bom ga tàu Maelbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ hôm 22/3 có thể đã được ngăn chặn nếu email thông báo phong tỏa không bị gửi nhầm địa chỉ.
Hiện trường bên ngoài ga tàu điện ngầm Maelbeek ở Brussels sau vụ đánh bom liều chết hôm 22/3. (Ảnh: BI)

Đó là vào khoảng 9h07 sáng ngày 22/3 khi giám đốc điều phối cảnh sát Bỉ đã gửi email ra lệnh đóng cửa các ga tàu điện ngầm tại Brussels để đảm bảo an toàn bởi trước đó chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sân bay quốc tế Zaventem ở đây bị đánh bom thảm khốc.

Nguồn tin cho biết, sở dĩ email thông báo này chỉ được gửi đi sau 1 giờ đồng hồ kể từ khi xảy ra vụ đánh bom sân bay Zaventem bởi cảnh sát liên bang cần khoảng thời gian mới có thể kết luận thành phố Brussels đang là mục tiêu tấn công khủng bố và rằng tất cả các ga tàu điện ngầm cần phải đóng cửa ngay lập tức.

Tuy nhiên, thay vì gửi vào hòm thư công cụ của ông Jo Decuyper, người đứng đầu cơ quan cảnh sát bảo vệ đường sắt của Brussels, cơ quan chức năng đã gửi email nhầm tới địa chỉ hòm thư cá nhân của ông này.

Quả bom đã phát nổ lúc 9h11 phút, khoảng 16 phút trước khi hệ thống tàu điện ngầm của thành phố được đóng cửa hoàn toàn. Nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Bình luận về sự việc này, ông Decuyper nói rằng: “Thời điểm đó tôi không ngồi trước máy tính”. Gửi email trở thành công cụ quan trọng vào thời điểm đó khi các mạng viễn thông đều nghẽn sau vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Zaventem.

Tuy nhiên, giải trình trước ủy ban quốc hội, ông Decuyper nói rằng, kể cả ông nhận được email ngay lập tức thì cũng không thể ngăn chặn được vụ tấn công ga tàu Maelbeek. “Kể cả nếu có một nút bấm có thể ngừng tất cả mọi thứ và sơ tán thì cũng không thể ngăn chặn được”, ông Decuyper nói.

Quan chức này cho biết thêm, việc sơ tán khỏi hệ thống ga tàu điện ngầm phải mất đến 30 phút. Hơn nữa, trong email, cảnh sát liên bang yêu cầu đóng cửa ga tàu vào buổi trưa, nghĩa là khoảng 4 tiếng sau vụ nổ ở sân bay Zaventem, chứ không phải ngay lập tức.

Thông tin gửi nhầm email làm dấy lên câu hỏi về việc liệu giới chức Bỉ đã thực sự sẵn sàng với thách thức đối phó với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan tại quốc gia này hay chưa.

Alain Grignard, quan chức thuộc cơ quan chống khủng bố của Bỉ, thừa nhận những trở ngại trong công tác chống khủng bố mà nước này đang gặp phải như có tỷ lệ người tới tham gia IS trên dân số thuộc nhóm cao nhất châu Âu. "Chúng tôi không thể đảm bảo 100% nếu như có nguồn lực như Mỹ", quan chức này nói.

Các vụ đánh bom liều chết liên tiếp xảy ra ở sân bay quốc tế Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở Brussels của Bỉ hôm 22/3 khiến hơn 30 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ một số nghi phạm, trong đó có nghi phạm bị nghi có dính líu đến vụ tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11 năm ngoái và được cho là có liên quan đến tổ chức khủng bố IS.

Theo Theo Dân trí