Tiếp sức ngư dân bám biển

TP - Từ bỏ học bổng tiến sĩ tại Đức, chàng trai trẻ Trần Thái Sơn trở về Việt Nam thực hiện hàng loạt dự án tiếp sức ngư dân Việt Nam. Trong đó, dự án thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá mang ý nghĩa rất lớn với ngư dân.
Giám đốc Trần Thái Sơn trong phòng thí nghiệm Ảnh: NVCC

Máy lọc nước ngọt ra Trường Sa

Anh Trần Thái Sơn là con đầu trong gia đình ngư dân nghèo có 4 anh em. Cứ dịp nghỉ hè, Sơn theo thuyền bố mẹ ra khơi đánh cá. Chứng kiến sự vất vả của bố mẹ, từ nhỏ, cậu bé làng chài Trần Thái Sơn đã ấp ủ khát vọng học giỏi, làm giàu, đổi thay quê hương. Suốt những năm tháng học phổ thông, Sơn luôn là học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Cơ điện tử, ĐH Bà Rịa- Vũng Tàu, năm 2012, Sơn giành được suất học bổng tại Đức. “Từ thời sinh viên, tôi đã mày mò nghiên cứu chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ nhưng không thành công. Vì vậy, khi giành được học bổng thạc sĩ, tôi đặt mục tiêu đi du học để có thêm cơ hội đào sâu nghiên cứu tại phòng thí nghiệm chuyên nghiệp, cùng sự hỗ trợ của giáo sư để chế tạo thành công chiếc máy đó”, Sơn chia sẻ.

Hơn 1 năm du học tại Đức, Trần Thái Sơn đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa học, vừa nghiên cứu trên thư viện, vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Từ tiền học bổng, tiền đi rửa bát thuê, Sơn đã mua nguyên vật liệu, thiết kế, chế tạo thành công chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt đầu tiên, công suất 50 lít/giờ, có giá 150 triệu đồng. Học xong thạc sĩ, giáo sư Jan. Hoinkis (trường Karlshure, Đức) đề nghị cấp học bổng tiến sĩ nhưng Sơn từ chối, trở về Việt Nam mang theo chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt, hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ bấy lâu.

Mang máy lọc nước về Việt Nam, Sơn cải tiến chiếc máy có công suất lọc 100 lít/giờ, giá 70 triệu đồng. Nhận thấy những tính năng ưu việt của chiếc máy, một ngư dân đã đặt mua 10 chiếc. Tiếng lành đồn xa, đến nay, Sơn đã cho ra lò hơn 1.000 máy, được ngư dân đánh giá cao. Theo Sơn, việc ra đời máy lọc nước biển thành nước ngọt không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của ngư dân mà còn góp phần giảm thải rác thải nhựa trên biển.

Đặc biệt, Sơn đích thân đi khảo sát và trực tiếp lắp đặt 15 máy lọc nước biển thành nước ngọt tại Nhà giàn DK1, 23 máy tại các điểm đảo của Trường Sa, chạy bằng pin năng lượng mặt trời. Trong đó, máy lọc tại Trường Sa có công suất 200 lít/giờ.

Số hóa tàu cá Việt Nam

Trăn trở trước thực trạng ô nhiễm nước thải ngành thủy sản, từ năm 2014, Sơn và cộng sự bắt tay vào nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải thân thiện môi trường. Trong 3 năm ròng rã nghiên cứu, có những thời điểm anh mất ăn, mất ngủ, dồn hết tiền bạc để theo đuổi mục tiêu đã đặt ra. “Nhiều người thắc mắc, năng lượng ở đâu mà làm việc lắm thế. Tôi chỉ thấy rất vui khi được làm việc, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào. Mình còn trẻ, có cơ hội để được làm việc, cống hiến là hạnh phúc lớn nhất”, Sơn chia sẻ.

Với sự đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2017, Sơn và cộng sự đã nghiên cứu thành công và triển khai cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho ngành thủy sản mà không sử dụng hóa chất, có thể tái sử dụng nước thải. Tháng 10/2020, Sơn bàn giao hệ thống xử lý nước thải 350m2/1 ngày đêm.

Chia sẻ về các nghiên cứu đã và đang thực hiện, Sơn tâm đắc nhất với dự án thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá. Tháng 7/2019, sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Sơn chính thức cung cấp dịch vụ thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá. Đến nay thiết bị đã cung cấp cho hơn 7.000 tàu cá, là đối tác cung cấp thiết bị cho dự án công nghệ kết nối vạn vật (IoT) của Tập đoàn VNPT Việt Nam.

Theo Sơn, thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá là dự án có giá trị lớn nhất về kinh tế và rất ý nghĩa với nghề biển, số hóa tàu đánh cá Việt Nam. Thiết bị vệ tinh của Sơn có nhiều đặc tính ưu việt hơn so với các sản phẩm hiện tại. Đây là một thiết bị liên lạc trên tàu đánh cá, phát wifi, giúp ngư dân vừa làm phương tiện liên lạc trong điều kiện khẩn cấp, vừa theo dõi thường xuyên, liên tục các thông tin cần thiết như: thời tiết, thông tin dự báo mưa bão, nhiệt độ hầm cá… Đặc biệt, với việc phát được wifi sẽ mở ra khả năng ứng dụng IoT trên biển.

“Mục tiêu trong thời gian tới của chúng tôi là triển khai ứng dụng IoT trên biển, đẩy mạnh số hóa tàu cá Việt Nam, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”, Sơn cho biết thêm.

Trần Thái Sơn là một trong những đại biểu tham gia Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, năm 2020, do T.Ư Đoàn tổ chức. Anh hiện là Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Lực và Phát triển Việt ( ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 2020, mặc dù đại dịch COVID -19 tác động đến mọi mặt đời sống, nhưng công ty của anh Sơn vẫn có doanh thu cao, hơn 100 tỷ đồng.