Tiền ”lao” sang BÐS
Sau 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, với lãi suất huy động ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua chỉ từ 5-6%/năm, thời điểm đầu năm 2021 chính là lúc nhiều người dân đã quyết định “chia tay” với kênh gửi tiết kiệm để rót vào đầu tư BĐS.
Anh Nguyễn Đức Chính (Long Biên, Hà Nội) cho biết, tháng 1/2021, anh vừa tất toán sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng. Lãi suất huy động thời điểm này chỉ 5- 6,1% tại nhà băng. Vì vậy, anh Chính “ôm tiền” đi tìm mua đất nền trong khu vực Ba Vì (Hà Nội). “Lãi suất huy động ngày càng thấp, trong khi lạm phát qua mỗi năm tăng lên, lo lắng VND sẽ mất giá, tôi tìm mua đất nền để bảo toàn và tranh thủ kiếm lãi tốt hơn gửi tiết kiệm”, anh Chính cho hay.
Nhìn nhận về hiện tượng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Từ đầu năm 2021 đến nay, dòng tiền đầu tư vào BĐS tăng lên mạnh mẽ. Ngoài việc nhiều nhà đầu tư kiếm lời quá tốt từ chứng khoán, rút bớt sang, một phần nữa đang đến chính từ kênh rút tiết kiệm. “Lãi suất huy động xuống quá thấp, nhà đầu tư gửi tiết kiệm gần như bị “bào mòn” lãi (nếu so sánh với lạm phát kỳ vọng khoảng 4%). Điều này khiến nhà đầu tư lo lắng rút khỏi thị trường tiền gửi và quay sang đầu tư vào BĐS”, PGS Thịnh lí giải.
Nguồn tiền vào BĐS ngoài được rút từ chứng khoán, tiết kiệm sang, có một lượng tiền không nhỏ đang được huy động qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, năm 2020, tổng lượng tiền các doanh nghiệp BĐS thu về từ phát hành trái phiếu lên tới 182.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, do khát vốn, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về BĐS đã liên tiếp tung ra mức lãi suất trái phiếu cao lên tới trên 10%/năm. Cụ thể như Tập đoàn Novaland, HUD đưa ra mức 10,5%/năm; Sunshine Group đưa ra mức 11%/năm, Cty Phát Đạt đưa ra mức 14%/năm…
Cũng trong năm 2020, tổng lượng trái phiếu BĐS không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành lên tới gần 63.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng nhà đầu tư mua trái phiếu cá nhân tăng mạnh lên tới hơn 50% (trước đây, đa phần là tổ chức, ngân hàng). Trước thực tế này, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã phải lên tiếng cảnh báo: Rủi ro cho nhà đầu tư sẽ không nhỏ và thường rơi vào thời điểm đáo hạn, nhất là với trái phiếu được doanh nghiệp cam kết trả lãi cao hoặc thiếu các biện pháp đảm bảo rủi ro.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, việc giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường. “Tuy nhiên, do lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rủi ro, nên NHNN luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ…”, vị đại diện NHNN này khẳng định.
Ðừng để dòng tiền luồn lách
Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà, khiến dòng tiền vẫn luồn lách, đổ vào BĐS. Số liệu trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tăng dần lên trong từng quý trong năm 2020. Cụ thể, quý I/2020 dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chỉ đạt 526,3 tỷ đồng thì đến quý II con số này đã tăng lên 580,1 tỷ đồng. Quý III là 606,2 và quý IV là 633,4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, năm 2020, thị trường tài sản đã tăng trưởng đáng kể, bởi đây là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng nhanh hơn. Bước sang năm 2021 tình trạng bong bóng tài sản đã và đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường BĐS.
Bình luận về câu chuyện dòng tiền, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực cũng chỉ ra: Hiện tượng “sốt” đất ảo ở một số địa phương, chủ yếu xuất phát từ chuyện công bố quy hoạch, xây dựng hạ tầng, cao tốc, sân bay. Người dân do sốt ruột với lãi suất thấp nên đã chuyển dịch đầu tư sang BĐS. “Kinh tế khó khăn, hoạt động khởi nghiệp ở một số lĩnh vực không sôi động như giai đoạn 2018-2019, nền sản xuất gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID -19 hơn một năm qua, cho nên dòng tiền đã đi tìm các kênh sinh lời khác trong đó có BĐS”, ông Lực nói và cảnh báo: Nếu không kiểm soát tốt, cứ để giá đất BĐS tăng nóng, rất dễ xảy ra những hệ luỵ rủi ro sau này.
Thực tế, hiện có hàng chục ngân hàng đang chạy đua triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua BĐS với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng 4,99 - 10%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư chứng khoán, BĐS..., điều này dễ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” BĐS. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tín dụng cho vay đang đổ mạnh vào BĐS, đã đến lúc NHNN cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào lĩnh vực này “núp bóng” qua sản xuất kinh doanh.