Tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ

TP - Năm tháng trôi đi, bao tủi hờn vì cuộc sống vắng bóng người cha và cảnh nghèo đói của gia đình, cậu học trò nghèo Lê Thanh Nga (SN 1976) đã vượt qua tất cả để bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, rồi  trở thành Tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ hiện nay.

Nhà không còn bố, đói nghèo triền miên; nhưng người dân làng Luân Phú, xã Đồng Văn (huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An) vẫn luôn thấy các con của bà Ngô Thị Liễu ngày hai buổi đến trường.

Lê Thanh Nga - Tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ

Ký ức buồn

Lần nào ngồi tâm sự chuyện đời, tiến sỹ Lê Thanh Nga đều rơm rớm nước mắt. Nga con út trong nhà, lên 3 tuổi thì bố qua đời. Một mình mẹ chân yếu tay mềm tần tảo nuôi 6 con ăn học.

Ngày trước, người dân làng Luân Phú cho rằng, bà Liễu điên! Vì thời đó trong làng chẳng mấy ai đi học, thanh niên chưa kịp lớn đã rủ nhau đi làm ăn xa.

Riêng 6 anh chị em Nga sống trong cảnh nghèo đói nhất vùng nhưng tất cả đều được đến lớp, đến trường học chữ. Vì thế, cuộc sống khó khăn ngày càng đè nặng lên đôi vai gầy của người mẹ, tức bà Ngụ Thị Liễu. Bà Liễu phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống.

Có thời gian dài bà phải làm thêm nghề đan nón kiếm tiền, vì thế tất cả các con của bà ngày đi học, đêm về phụ giúp mẹ đan nón. Nhiều đêm đói bụng, lại buồn ngủ, đầu các ngón tay của cậu trai út Lê Thanh Nga bắn cả máu, vì trong lúc khâu nón kim đâm vào.

Một thời gian sau, anh trai cả của Nga học được nghề đan lát, nào thúng, mủng, giần, sàng, rổ, rá... Buổi đi học, buổi về mang đi hàng chục cây số để bán nhưng nhiều ngày không bán được cái nào.

Bà Liễu mỗi chiều đi dạy trường làng có kèm theo chiếc túi cước, hết buổi bà lại mang túi đi vay gạo khắp nơi. Nga còn nhớ rất rõ: Hồi đó nhà lúc nào cũng ăn cơm muộn, vì phải chờ khi nào mẹ vay được gạo về khi ấy mới có để thổi cơm.

Mỗi lần vay được nửa đến một cân nhưng góp lại hàng năm phải trả mấy tạ thóc một lúc cho người ta. Có những năm đói kém, bảy mẹ con phải ăn khoai, ăn sắn triền miên suốt cả tháng trời không có lấy một hạt cơm.

Cả đời đi học, chẳng mấy khi được may lấy một bộ quần áo mới. Hầu hết quần áo của Nga được mẹ tận dụng từ quần áo cũ của bà hoặc anh chị để cắt và tự may vá cho con trai út mặc.

Nga còn nhớ rõ, lần đầu tiên đi dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, hai mẹ con lặn lội bắt xe đò từ Thanh Chương xuống Vinh, vì lần đầu tiên ra phố thị nên cậu bé cứ lơ ngơ láo ngáo.

Vào trọ ở một nhà dân thành phố Vinh, đến mỗi bữa ăn, cả hai mẹ con không dám gắp lấy một miếng thịt, vì sợ ngày về gia chủ tính thêm tiền ăn thì chẳng biết lấy đâu để trả.

Năm đó Nga đỗ học sinh giỏi tỉnh cả hai môn Văn và Sử. Không những thế cậu còn lọt vào tốp học sinh đi dự thi học sinh giỏi văn quốc gia.    

Cuộc sống đã nghèo còn phải chịu cảnh mất đi người bố, là chỗ dựa tinh thần cho các con trong nhà. Mỗi ngày  đến lớp,  Nga thường bị chúng bạn gọi là  "con không cha".

Nỗi đau càng xoáy sâu vào tâm can cậu học trò ngay từ thuở ấu thơ. Chính vì lẽ đó mà suốt quãng đời học trò nơi miền quê xa vắng, Nga sống tự ti như một người cô độc.

Vượt nghèo lấy bằng tiến sỹ

Mùa hè năm 1995, cậu học trò Lê Thanh Nga lên đường thi đại học. Vì nhà nghèo nên chẳng dám mơ ước cao xa gì cho  lắm, Nga chỉ nạp  một hồ sơ dự thi vào trường ĐHSP Vinh và đỗ luôn năm ấy.

Ngày cầm giấy báo trúng tuyển đại học, Nga và cả nhà lại càng lo thêm. Bà Liễu suốt  ngày úp mặt khóc, không biết lấy tiền đâu nuôi con ăn học những bốn năm trời. Trong lúc Nga đỗ đại học cũng là lúc anh trai và chị gái của Nga đang ngồi trên ghế giảng đường.

Mỗi chiều ra bờ sông Lam nhìn theo dòng nước chảy xuôi và suy ngẫm bao điều với nỗi buồn khôn xiết, có lúc Nga tính chuyện từ chối giảng đường đại học. Nhưng rồi người mẹ tần tảo ấy một lần nữa động viên cậu trai út cố gắng nhập trường, học được đến đâu hay đến đấy.

Cứ thế thời gian trôi đi theo năm tháng, nơi miền quê nghèo, người mẹ tần tảo ấy ngày hai bữa khoai sắn, được đồng lương nào bà chắt góp lại để nuôi con.

Đã thế, một ngày kia tai hoạ lại đổ xuống ngôi nhà nhỏ, khi người anh trai kế của Nga gặp tai nạn giao thông rồi vĩnh viễn bị mù cả hai mắt. Từ đó bà Liễu càng khốn đốn hơn. Ngoài việc lo mấy đứa con đang ở giảng đường ĐH, bà còn phải nuôi người con bị mù loà cả hai mắt.

Nơi phố thị, các con cái của bà cũng không kém phần gian nan. Nhiều hôm đi học về gác trọ, Nga phải nhịn đói suốt hai ngày liền, vì không có miếng gì lót dạ.

Dẫu thế, cậu vẫn sống vui vẻ và chấp nhận với số phận để vùi đầu vào thư viện đọc sách. Thỉnh thoảng trên các tờ báo, tạp chí...địa phương người ta lại thấy Nga làm thơ, viết báo.

Không ít lần Nga quyết định bỏ học vào Nam làm thuê kiếm sống, nhưng bạn bè, thầy cô động viên nên cậu tiếp tục đi học và luôn nằm trong tốp dẫn đầu của khoá học.

Ngoài công việc học tập, Nga còn tham gia hoạt động Đoàn trường và là một trong những thành viên gây dựng nhóm thơ "Dòng Xanh" của trường ĐHSP Vinh. 

Thấm thoắt thời gian thoi đưa, cậu học trò nghèo Lê Thanh Nga đã tốt nghiệp đại học. Cầm trên tay tấm bằng đại học, những tưởng cậu sẽ về quê kiếm lấy việc làm.

Nhưng được Tiến sỹ Phan Huy Dũng, là thầy giáo của Nga nơi giảng đường ĐHSP Vinh động viên giúp đỡ, cậu học trò nghèo này tiếp tục ở lại trường để học cao học.

Ngày về Vinh công tác, tôi được gặp Nga và chúng tôi đã trở thành bạn thân từ hồi đó. Chuỗi ngày theo học thạc sỹ ở ĐH Vinh, bao buồn vui Nga thường đem về gác trọ tâm sự với tôi.

Cả mùa đông giá lạnh, Nga chỉ áo sơ mi màu trắng, bên ngoài khoác lên tấm áo len mỏng. Thấy vậy, chị Lê Hồ Quang (Tiến sỹ, giảng viên khoa Ngữ văn - ĐH Vinh) mua tặng bộ comlê, nhưng Nga từ chối nhận quà.

Năm 1998, Nga trở thành thủ khoa cao học của khoa Ngữ văn và là thủ khoa của Trường ĐH Vinh năm đó. Bảo vệ xong, ý định xin vào một vài trường cấp ba hoặc cao đẳng gì đó ở TP Vinh cộng tác.

Đang loay hoay chưa kiếm được việc làm, cậu được thầy Phan Huy Dũng và một số bạn bè động viên, hứa giúp đỡ để cậu tiếp tục chuyển lên làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ.

Thời điểm đó, gia đình Nga ở quê không ai muốn cậu học tiếp, vì ngần ấy thời gian đi học cũng đủ làm sạt nghiệp cho cả nhà rồi. Nhưng Nga đã vượt qua hoàn cảnh để ra Hà Nội vào Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam tiếp tục sự nghiệp.

Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, bây giờ ra thủ đô Hà Nội, cậu học trò nghèo càng gặp nhiều khó khăn hơn. Hằng ngày ngoài công việc làm nghiên cứu, Nga còn phải tranh thủ đi dạy kèm, làm gia sư để kiếm tiền.

Đằng đắng 5 năm trời trôi đi, trải qua bao khó khăn, cay đắng cậu học trò nghèo đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu sinh tiến sỹ và trở thành tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ.

Cuối  năm 2008, Nga trở về Nghệ An công tác theo diện thu hút nhân tài. Ngoài số tiền 40 triệu đồng, anh còn được bố trí vào vị trí biên tập Tạp chí Sông Lam.

Cuộc sống nay dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng tiến sỹ Lê Thanh Nga cảm thấy mình rất hạnh phúc, khi bên mình có người vợ hiền và con gái mới sinh trong một tổ ấm gia đình.