Gia đình chị Nguyễn Thị Bính đã năm đời làm bún tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Thấu hiểu nỗi cơ cực, thức khuya dậy sớm của nghề, chị không muốn nối nghiệp. Nguyễn Thị Bính chọn Nam tiến như lời khước từ với nghề gia truyền, đi học trung cấp lắp ráp máy tại Đồng Nai.
Trải qua nhiều nghề để mưu sinh tại nơi đất khách quê người, duyên số của chị với nghề truyền thống của gia đình đưa đẩy, khiến Chị Bính lại quay lại với nghề tổ, dù ghét cay ghét đắng.
Nhưng đâu phải cứ quay lại là làm ngay được, nhất là với mặt hàng thực phẩm bán trong ngày. Những mẻ bún đầu tiên làm theo cách thủ công truyền thống ra lò, chị ký gửi ở chợ gần như bị trả về toàn bộ, khách chê bún đen nhám, thô giáp. Năm lần bảy lượt bị mối trả hàng, chị gần như trắng tay.
Sở dĩ mẫu mã mặt hàng của chị chưa bắt mắt vì không dùng chất bảo quản tẩy trắng. Nhưng khó mà giải thích cho từng người dùng hiểu chỉ qua vài ba lời, Bính mang bún tặng cho bà con với suy nghĩ "chưa ăn làm sao biết nó ngon thế nào nếu chỉ nhìn bề ngoài". Kiên trì thời gian dài, cho không cả tấn bún, người ta bắt đầu tò mò hỏi về bún sạch Nguyễn Bính.
Giữa hàng trăm cơ sở sản xuất hàng hoá chất, chị phải chọn hoặc theo cách ngâm gạo nửa ngày, dùng hóa chất giúp gạo mềm nhanh, bóng bẩy rồi xay bột và nấu thành bún, hoặc theo cách truyền thống phải dùng gạo sạch hữu cơ được ngâm đủ tuần và qua 15 công đoạn mới mang đi xay nấu.
Sẵn kiến thức học về máy móc, chị vận hành lò hơi vào sản xuất bún truyền thống. Công nghệ cho phép làm nóng từ xa, tăng độ an toàn lao động, không phát thải khí carbon, giảm khói bụi... Dù duy trì công thức ủ gạo truyền thống nhưng việc ứng dụng công nghệ mới giúp tăng thời hạn bảo quản sợi bún, bánh phở thành hai ngày so với chỉ dùng trong ngày trước đó.
Nghề gia truyền mấy đời, từng phá sản và lâm cảnh nợ nần cũng vì bún nên hơn ai hết chị Bính tự tin với các ngóc ngách trong nghề. Nên thay cho nhập các loại gạo giá rẻ trôi nổi trên thị trường, chị nhập gạo phải qua kiểm định chất lượng, đạt các chứng nhận về thực phẩm hữu cơ, sạch và đảm bảo an toàn với người mua.
Những khó khăn khi cạnh tranh về giá cả so với các loại bún tươi hiện có đã khiến chị nhiều lần chùn bước. Bởi thói quen chuộng hàng giá rẻ của người tiêu dùng vẫn còn phổ biến, chưa kể sản phẩm gắn mác Organic không phải đã quen thuộc với số đông.
Vượt qua những khó khăn bước đầu, thời gian qua, bún tươi của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính (Công ty Nguyễn Bính) đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm xuất khẩu, được một số đơn vị đầu mối thu mua để xuất đi Mỹ, Đức, Australia…
“Sau thời gian tìm hiểu, nhiều đơn vị mua hàng tấn bún tươi, bánh canh của Nguyễn Bính mỗi tháng để xuất khẩu trực tiếp, hoặc chế biến món ăn rồi xuất sang nhiều nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuyển giao công nghệ cho một vài đơn vị để sản xuất”, bà Bính chia sẻ.
“Đưa bún tươi ra thị trường nước ngoài rất khó, nhưng chúng tôi đã làm được. Bún tươi được cấp đông và bảo quản tốt có thể dùng trong 1 năm. Với bí quyết riêng, sau khi rã đông, sợi bún của Nguyễn Bính không bị giảm chất lượng, thậm chí còn ngon hơn”, bà Bính tự hào.
Trong năm tới, bà Bính sẽ đưa vào vận hành lò hơi để sản xuất bún truyền thống. Công nghệ này cho phép làm nóng từ xa, tăng độ an toàn lao động, không phát thải khí carbon, giảm khói bụi...
“Khi mở rộng nhà máy, bên cạnh việc duy trì 20 dòng sản phẩm làm từ gạo như nui, phở, bánh ướt, bánh hỏi..., Công ty sẽ tìm thêm nguồn nguyên liệu sạch, hữu cơ từ các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Chúng tôi quyết tâm sớm trực tiếp xuất khẩu bún tươi thương hiệu Nguyễn Bính tới các thị trường trên thế giới”, bà chủ bún tươi Nguyễn Bính tự tin nói.