Hãng Reuters ngày 5/8 đưa tin Ấn Độ đã chào bán 18 máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas cho Malaysia, và mẫu máy bay một động cơ này còn được nhiều nước khác quan tâm, trong đó có Mỹ, Úc, Indonesia, Philippines, Argentina và Ai Cập.
Tejas là tiêm kích đa năng hạng nhẹ do Ấn Độ nghiên cứu và phát triển. Được trang bị những công nghệ mới giúp Tejas có sức mạnh đáng gờm trên bầu trời. Chúng được cho là đủ sức đối đầu với những chiếc J-10 của Trung Quốc chế tạo hay F-16 có trong biên chế không quân Pakistan.
Được phát triển từ năm 1983 nhưng mãi tới năm 2001, Tejas mới cất cánh lần đầu tiên.
Loại máy bay một động cơ này khá đặc biệt khi có thiết kế cánh tam giác lớn, và có cánh dạng delta. Được thiết kế và chế tạo tại Ấn Độ, nhưng chiến đấu cơ Tejas sử dụng động cơ F404-GE-IN20 của hãng General Electric - Mỹ.
Để cải tiến cho loại máy bay này, ở phiên bản nâng cấp Tejas Mk2, phía Ấn Độ đã chủ động mua từ Mỹ loại động cơ F414 của General Electric, cung cấp cho máy bay lực đẩy đến 13.500 kg, gấp đôi động cơ do Ấn Độ sản xuất trang bị trên phiên bản Mk1 và mạnh hơn hẳn động cơ F404-GE-IN20.
Tejas được tích hợp các công nghệ như ổn định tĩnh, hệ thống điều khiển bay fly-by-wire, radar đa chế độ, radar điều khiển hỏa lực Hybrid MMR, hệ thống điện tử hàng không tích hợp và cấu trúc vật liệu composite; tốc độ bay tối đa Mach 1,6-1,8, bán kính chiến đấu 500km, trần bay 15.000m.
Với trọng lượng không tải 6,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 13,5 tấn, Tejas thiết kế với 8 giá treo mang được 4,2 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không; tên lửa không đối đất tầm xa; tên lửa chống tàu; bom dẫn đường.
Tejas có thể tiến hành các nhiệm vụ trên biển xa, kể cả tấn công các căn cứ hải quân và không quân ven bờ của đối phương.