Tía tô - bài thuốc trị ho, tiêu đờm hiệu quả

Tía tô là một loại rau gia vị phổ biến đối với người dân Việt Nam. Đồng thời, tía tô cũng là một loại thuốc chữa bệnh và phòng bệnh theo Y học cổ truyền.
Ảnh minh họa: Internet

Trong đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc và là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo, tiêu đờm, trị ho.

Với giá trị dinh dưỡng khá cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P, cây tía tô không những có thể dùng để chế biến các món ăn ngon miệng mà có tính năng chữa bệnh khá cao. Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc.

Sau đây là những bài thuốc trị ho, tiêu đờm từ tía tô

Bài 1: Tô diệp 8g, sinh khương 8g, hạnh nhân 12g, bán hạ 12g. Sắc uống. Dùng trong các bệnh ngoại cảm phong hàn, trong thì có đờm trệ, ho có đờm.

Bài 2: Tô tử 10g, bạch giới tử 10g. Tán bột. Uống với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng. Chữa ho, trừ đờm.

Bài 3: Tam tử dưỡng thân thang: Tô tử 10g, bạch giới tử 10g, lai phục tử 10g. Sao vàng, tán nhỏ, cho vào túi, sắc lấy 200ml. Chia uống 3 lần trong ngày. Trị ho hen có đờm, tức ngực khí ngược.

Tô diệp mai táo trà: Tô diệp 6g, mận tươi 30g (hoặc mận ướp đường), đại táo 5 quả, chè 3g. Mận chín tươi hoặc mứt mận và đại táo nấu lấy nước, khi nước đang sôi, đổ vào ấm có chè và tô diệp, hãm tiếp. Uống 2 lần trong ngày. Liên tục dùng trong 5-10 ngày. Dùng cho các trường hợp ho, mất tiếng, tắc nghẹn do rối loạn thần kinh chức năng, hysteria.

Ngoài ra, chúng ta có thể dùng gừng tươi, kinh giới, tử tô diệp, trà số lượng thích hợp cùng đem sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, cho uống. Dùng cho các trường hợp ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).

Theo Theo SKGĐ