Công trình của Viện Công nghệ California (Caltech – Mỹ) cho thấy môi trường trong các hồ nước mặn ngầm từng được tìm thấy ở hai địa cực của Sao Hỏa là môi trường lý tưởng cho sự sống.
Theo tiến sĩ Vlada Stamenkovic, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, các hồ nước mạnh và lạnh này rất giàu oxy, là điều kiện tốt để hỗ trợ sự sống. Hơn nữa, khoảng 6,5% bề mặt Sao Hỏa cũng phù hợp để tồn tại nồng độ oxy hòa tan cao hơn, đủ đáp ứng nhu cầu hô hấp của các sinh vật đa bào nguyên sơ.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu của Caltech cho rằng sự sống trên Sao Hỏa chính là các dạng sống đã và đang tồn tại trên trái đất: vi khuẩn và thậm chí là cả bọt biển.
Giả thuyết về bọt biển gây nhiều ngạc nhiên bởi trong vài năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu cho rằng bọt biển là tổ tiên chung lâu đời nhất của con người và các động vật khác trên trái đất. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Current Biology năm 2017 cho biết vị thủy tổ này xuất hiện khoảng 750 triệu năm, là động vật đầu tiên trên cây gia phả. Bọt biển ngày nay vẫn chia sẻ 70% bộ gene với loài người.
Trước đây, người ta đã đo đạc được nồng nộ oxy trong bầu khí quyển Sao Hỏa và nhận thấy chúng quá thấp để hỗ trợ sự sống. Nhưng với các bằng chứng mới về nước trên Sao Hỏa và các kết quả mới trong nghiên cứu nhiệt động lực học, các nhà khoa hoc tin rằng có một lượng oxy lớn được hòa tan trong nước mặn.
Nghiên cứu này tiếp bước một phát hiện trước đó của các nhà khoa học Ý về một hồ nước ngầm dạng lỏng trải dài 20 km ẩn bên dưới cực Nam của Sao Hỏa.
Vùng cực Nam Sao Hỏa, nơi phát hiện hồ nước mặn ngầm ở thể lỏng - ảnh: NASA
Cho dù nhiệt độ là -68 độ C nhưng các chất ma-giê, canxi và natri hòa tan vẫn giữ cho nước trong hồ ở trạng thái lỏng. Một số nghiên cứu khác tìm kiếm những vùng có nhiệt độ cực lạnh tương đương trên trái đất và nhận thấy vi khuẩn vẫn sống tốt. Các nhà khoa học tin rằng hành tinh đỏ còn sở hữu nhiều hồ nước tương tự.
Nghiên cứu của Caltech vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.