> “4 nhất” trên công trình thủy điện Lai Châu
Sức trẻ trên đại công trường
Khái niệm về thời gian gần như không tồn tại trên công trình thủy điện Lai Châu vì ngày hay đêm, mưa hay nắng, hàng nghìn công nhân, kỹ sư vẫn hăng say làm việc. Dù mưa nắng thất thường, nhưng các cán bộ công nhân vẫn không quản ngày đêm quần mình với đất đá, bê tông, sắt thép. Tiếng máy móc, tiếng bàn luận, cười nói râm ran cả một góc trời Tây Bắc.
Ban đêm, tại công trình xây dựng tổ máy là hơn 300 công nhân. Anh Trần Thanh Tùng, chuyên viên kỹ thuật, Phòng Quản lý kỹ thuật an toàn (Ban Điều hành DA Thủy điện Lai Châu) cho biết, dù là nữ hay nam, các công nhân đều làm khối lượng và đầu việc như nhau. Mưa lớn, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc, nhưng để hoàn thành công việc đúng tiến độ, công nhân, kỹ sư tại đây vẫn mặc áo mưa để làm việc. Để nước mưa không tràn, thấm vào vị trí làm việc, những chiếc bạt khổ lớn nhỏ được giăng lên, ống hút nước phía dưới được huy động làm việc hết công suất.
Theo anh Nguyễn Tuấn Long, kỹ sư Ban điều hành Thủy điện Lai Châu, các đơn vị trong tổ hợp nhà thầu đang gấp rút làm ba ca liên tục và giao ca tại công trường, ca trước xuống bàn giao cho ca sau, ca sau mới được lên. Cả công trường làm việc hăng say, chạy đua với thời gian, không quản nắng mưa để hoàn thành tốt nhất phần việc của mình.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Chánh Văn phòng Ban điều hành Dự án Thủy điện Lai Châu (Tổng Công ty Sông Đà) cho biết, mục tiêu trong tháng 7/2013, khối lượng công việc đối với hạng mục là rất lớn: bê tông RCC hoàn thành khối C2L và một phần khối C3L với tổng khối lượng 100.000 m3, các hạng mục chính của bê tông CVC là 28.500 m3…
Vượt nắng, thắng mưa
Trên hạng mục dập không tràn bê tông đầm lăn (RCC) khu vực đập, mặt bằng công trình rộng 10.000m2 là hàng trăm kỹ sư, công nhân đang làm việc. Để nước không làm hỏng mặt bê tông, ở những vùng nước trũng sâu, máy hút chân không được đưa vào hút sạch nước. Với những vũng nước nhỏ, từng công nhân phải dùng thiết bị cầm tay vét nước. Khi nước trên mặt bê tông đã được hút sạch và xử lý kỹ thuật thì một lớp bê tông mới dày 30cm lại được rải lên.
Điều kiện làm việc, môi trường sống tại công trình thủy điện Lai Châu vô cùng khắc nghiệt khiến nhiều công nhân, kỹ sư khi bắt đầu đến với vùng đất này đã có ý định trở lại miền xuôi. Giao thông đi lại khó khăn, nhiệt độ chênh lệch có khi lên đến 10-15 độ C, gió lốc, mưa rừng dai dẳng cả tuần mới kết thúc…
Nhớ lại những ngày đầu đến thủy điện Lai Châu, anh Trần Thanh Tùng (quê Hà Nam), chuyên viên kỹ thuật, Phòng Quản lý kỹ thuật an toàn (Ban điều hành DA Thuỷ điện Lai Châu) cho biết, năm 2010 cơn lốc to giữa đêm đã làm tốc các tấm mái lợp của khu nhà ở, quần áo, đồ đạc ướt sũng, đồ dùng sinh hoạt bị hư hỏng nhưng phải đi 10 km đường rừng mới đến được chợ thị trấn Nậm Hàng để mua đồ. Đến cuối năm 2010, chợ tạm mới được dựng gần khu vực công trường để phục vụ đời sống sinh hoạt của công nhân.
Công nhân, kỹ sư trên công trình, người xa nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, gần hơn là các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang và người dân bản địa. Chị Lê Thị Hoa (Phú Thọ), công nhân Sông Đà 9 cho biết, 2 vợ chồng anh chị đã 7 năm theo chân những công trình thủy điện, chứng kiến và trải qua những tháng ngày thiếu thốn, gian khổ tại thủy điện Lai Châu, đã có lúc muốn bỏ cuộc nhưng vì đã gắn bó, làm quen với công việc, nhận được sự giúp đỡ từ những đồng nghiệp mà anh chị lại tiếp tục công việc của mình.
Anh Chồng A Chứ (Nậm Nhùn, Mường Tè, Lai Châu), gia đình thuộc diện tái định cư sang xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn cho biết, gia đình anh nuôi 3 con nhỏ, kinh tế khó khăn. Năm 2011, lãnh đạo công trình đã cho anh làm việc, mỗi tháng tiết kiệm được 4 triệu đồng.
Tất cả các cán bộ công nhân viên trên công trình Thủy điện Lai Châu khi được hỏi đều cho biết đang căng sức để đẩy nhanh tiến độ, vì dòng điện trong tương lai. “Người làm thủy điện sống tình nghĩa mà ấm áp. Ngoài trách nhiệm với công việc còn là tình người đùm bọc, sẻ chia”, một kỹ sư trẻ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói với tôi trên chuyến xe muộn về Hà Nội.
Dự án thủy điện Lai Châu là dự án thủy điện lớn thứ 3 của Việt Nam thuộc bậc thang trên cùng sông Đà với hồ chứa có dung tích 1,2 tỷ m3 nước, công suất lắp máy 1.200MW. Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7/6/2010. Khi công trình đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh, chưa kể tăng cho các công trình bậc dưới khoảng 60 triệu kWh.