Thương nhớ ở ai phát sóng tập cuối cùng trên sóng VTV vào chiều 4/3. Đây là bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Bến không chồng của nhà văn Dương Hương, kết thúc của bộ phim được nhiều khán giả chờ đợi.
Hạnh bất chấp tất cả, đến bên Vạn
Tập phim mở đầu bằng việc Hạnh quyết định trở về làng Đông trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Hạnh dắt theo con gái đã lên bốn tuổi và không ngại thông báo về việc đó chính là con của cô và Vạn. Làng Đông như chấn động với đầy lời lẽ rèm pha.
"Tình mẹ duyên con", mối quan hệ giữa Vạn và Hạnh khiến không chỉ cả làng Đông bất ngờ mà ngay đến Nhân - mẹ của Hạnh không nói được nên lời. Hạnh mang con gái đến nhà Vạn ở, gọi Vạn bằng anh.
Hạnh những tưởng sự can đảm của mình sẽ vượt qua được tất cả định kiến làng Đông. Cô bảo người ta nói được vài ba lần, nói nhiều thì mỏi mồm, còn số phận của cô là do cô quyết định. Cô tin mình sẽ có cuộc sống hạnh phúc với Vạn.
Bà Nhân khuyên con gái hãy cùng Vạn đưa đứa nhỏ đi khỏi làng Đông. Bà biết rằng, Hạnh chẳng thể sống được ở ngôi làng này với thái độ ấy.
Nhưng Hạnh cương quyết không chịu. Cô hét lên, tiếng hét vang vọng khắp làng "Đứa nhỏ là con của tôi và anh Vạn đấy". Hạnh nhắc đi nhắc lại, mắt ngấn nước.
Sự dũng cảm của Hạnh khiến bà Nhân ngỡ ngàng. Bà chạy nhanh về nhà, tựa vào cột mà khóc. Bà thương Hạnh và cũng là thương cho số kiếp của những người phụ nữ làng Đông. Bà than thở với Dâu, không biết Hạnh mình sẽ tiếp tục sống như thế nào.
Hạnh có bữa ăn đầu tiên với Vạn, hai người cùng cho con ăn. Hạnh liếc nhìn Vạn và thầm mơ về một gia đình hạnh phúc. Chú Vạn ngày nào của Hạnh giờ thành người đàn ông của Hạnh, là trụ cột của mái nhà. Hạnh cũng đã mua quần áo mới cho Vạn, Hạnh còn hy vọng sẽ có nhiều dịp ra chợ huyện để mua quần áo cho chồng và con.
Nhưng Hạnh đã lầm tưởng, làng Đông chẳng để cuộc sống của Hạnh được yên. Khi Hạnh và Vạn vừa nằm trên giường, cũng là lúc dân làng Đông kéo đến vây kín căn nhà.
Những ánh mắt nhòm ngó, những nụ cười khinh bỉ, chế giễu. Vạn chạy nhanh ra ngoài đánh đuổi dân làng. Nhưng đất đá đã được ném vào căn nhà nhỏ, Hạnh và con gái chỉ biết ôm nhau khóc.
Vạn hét lên đau khổ và bất lực. Trong tiếng hét của Vạn là tiếng ru của Hạnh - người con gái nổi tiếng hát hay xinh đẹp nhất làng Đông. Tiếng ru con của Hạnh vang khắp làng Đông, vang ra bến không chồng, vang cả đến nhà bà Nhân.
Hạnh ôm con và thiếp ngủ đi. Khi tỉnh giấc, cô nhận ra không có Vạn bên cạnh. Chum nước đã được gánh đầy nhưng chẳng thấy Vạn đâu, Hạnh linh cảm điều chẳng lành. Cô chạy một mạch dài không nghỉ, vừa đi vừa khóc, vừa đi vừa gọi tên Vạn.
Khi ra đến con sông đầu làng, Hạnh thấy Hơn đứng đó. Còn Vạn, Vạn đã chèo thuyền bỏ làng ra đi. Hạnh dắt con gái đi qua con đường hoa gạo, cô thầm mong Vạn sẽ trở về và cô tin Vạn sẽ trở về làng Đông - nơi mẹ con đang chờ Vạn.
Hạnh hoảng sợ khi dân làng tìm đến nhà của vợ chồng cô để nhòm ngó, ném đá.
Kết thúc khác với nguyên tác văn học
Thương nhớ ở ai chọn có kết thúc mở và tương đối nhẹ nhàng. Đây là cách kết thúc khác biệt hoàn toàn với tiểu thuyết Bến không chồng - nguyên tác văn học của bộ phim.
Trong tiểu thuyết Bến không chồng, Vạn treo cổ tử tử ở bến không chồng vì sợ lời dèm pha, chỉ trích của dân làng. Trong nguyên tác văn học, Hạnh cũng mới chỉ nói sự thật với Vạn, dân làng chưa ai hay biết về việc hai người có con chung.
Khi thực hiện phim điện ảnh Bến không chồng cách đây gần hai mươi năm, Lưu Trọng Ninh cũng có cách giải mã gần như tương tự văn học, Vạn cũng chọn cách tự vẫn. Nhưng với phiên bản truyền hình, Thương nhớ ở ai đã chọn một cách kết thúc mới.
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cái kết của bộ phim. Một số khán giả cho rằng kết thúc mới của phim là nhân văn, phù hợp để phim không quá bi đát. Nhưng có quan điểm nhấn mạnh về việc nên tôn trọng nguyên tác văn học và chê kết thúc của phim tương đối hụt hẫng.