Đây là thông tin được đại diện nhiều DN ngành xi măng nêu ra tại hội thảo về xuất khẩu do Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 23/4. Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cho rằng, điểm yếu của thị trường xi măng Việt đó là các DN luôn bị mắc kẹt trong tình trạng ăn đong.
Hầu hết DN chọn cách ký hợp đồng xuất khẩu theo tháng. Ít đơn vị ký được những hợp đồng dài hạn. Thời gian qua, có duy nhất Vissai ký được hợp đồng lớn, nhưng DN khác không dám làm thế vì giá đầu vào của xi măng rất phập phù. “Cần hình thành những nhóm nhà nhập khẩu để chia sẻ thông tin và tránh tình trạng bị “chia ra để làm thịt”, vị này nói.
Xi măng xuất khẩu nhiều nhưng giá không cao, theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hạ Long Lương Thanh Tùng, do DN xi măng chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, dẫn tới việc bị thương lái trung gian ép giá.
“DN xi măng phân tán nhỏ lẻ, phải bán hàng qua khâu trung gian nên dẫn tới giá xuất khẩu xi măng bị thương lái trung gian ép xuống rất thấp. Thậm chí, có thời điểm các thương lái còn dùng chiêu chia rẽ thị trường khiến DN trong nước bị giảm lợi thế cạnh tranh”- ông Tùng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, tất cả các ngành đều có tình trạng các DN cạnh tranh nhau và chủ yếu bằng cách hạ, giảm giá chứ không có kiểu cạnh tranh bằng cách mở rộng thị trường, nâng cao mẫu mã, chất lượng.
Điểm yếu nữa trong xuất khẩu xi măng của Việt Nam chính là việc, các DN chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đầu tư cho tìm kiếm thị trường gốc mà thường tìm thị trường thông qua các nhà thương mại trung gian nước ngoài. Chính vì bị lệ thuộc như vậy, mà việc xi măng trong nước bị thương lái ép giá diễn ra khá thường xuyên.