Thương binh bị đánh tử vong sau va chạm giao thông

TPO - Vị thương binh vượt lên, chặn xe của các thanh niên vì đã tạt đầu mình. Tuy nhiên, nhóm này đánh trả khiến ông tử vong, người đi cùng bị gãy răng…  
Từ trái qua, các bị cáo Mạnh, Thành và Lâm.

Ngày 14/9, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Lương Ngọc Thành (SN 1990, ở Mê Linh, Hà Nội), Trần Đức Mạnh (SN 1985, ở Hạ Long, Quảng Ninh), Nguyễn Hồng Lâm (SN 1989, ở Nghi Lộc, Nghệ An) ra xét xử phúc thẩm về các tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”. Nạn nhân trong vụ án là một thương binh từng tham gia chiến tranh biên giới phía bắc.

Trước đó, ngày 25/5, TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xử sơ thẩm, xác định tối 13/7/2017, các bị cáo đi trên 2 xe máy lưu thông trên quốc lộ 32 theo hướng Nhổn – Cầu Diễn.

Quá trình này, Mạnh điều khiển xe tạt đầu của anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1987) đang chở ông Nguyễn Thiện Hải (SN 1963, cùng ở Bắc Từ Liêm). Vì vậy, Kiên vượt lên, đi song song xe của Mạnh rồi cùng ông Hải chửi bới nhóm thanh niên.

Tuy bị cáo Mạnh đã xin lỗi nhưng vẫn bị anh Kiên và ông Hải tạt đầu, chặn lại để lăng mạ. Bực tức, Mạnh dùng mũ bảo hiểm khua vào ông Hải khiến mũ văng ra. Mạnh và Thành tiếp tục đấm, đá làm ông Hải ngã xuống đường và tử vong sau đó.

Phần Lâm, bị cáo này túm cổ áo anh Kiên kéo vào lề đường bên phải để Mạnh và Thành đánh đập.

Theo giám định, ông Hải bị vỡ xương sọ, tổn thương xương chẩm, dập não… dẫn tới tử vong; anh Kiên bị đánh lung lay 4 chiếc răng.

Từ những hành vi trên, ngày 25/5, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Thành 8 năm tù, Mạnh 7 năm tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”; Lâm nhận án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Sau phiên sơ thẩm, người nhà ông Hải kháng cáo vì cho rằng hành vi của các bị cáo phạm vào tội “Giết người”, không phải “Cố ý gây thương tích” như bản án quy kết.

Tại tòa phúc thẩm (24/9), anh Kiên khẳng định bị cáo Mạnh điều khiển xe máy tạt đầu, chặn mình và ông Hải lại. Cáo trạng cũng như án sơ thẩm khẳng định anh Kiên chủ động chặn xe của Mạnh là không đúng sự thật.

Tiếp đó, 3 bị cáo dùng mũ bảo hiểm đánh đập, tấn công khiến ông Hải tử vong còn bản thân anh Kiên bị đánh gẫy răng, máu tràn ra mặt nên không quan sát sự việc tiếp theo. Ngược lại, các bị cáo khai chỉ đấm ông Hải 2 nhát khiến ông ngã ra đường rồi “bồi” thêm 2 phát đá.

Nghe lời khai của các bị cáo, bố ông Hải xin phát biểu, nói: “Con trai tôi đánh nhau ở Hà – Tuyên từ đầu đến cuối thì sức khỏe thế nào? Các bị cáo gầy yếu thế kia, chỉ đấm tay không mà khiến con tôi bật mắt ra ngoài, vỡ xương sọ. Tôi xin nói võ công bằng giời cũng không thể làm vậy”.

Tương tự, luật sư đại diện phía bị hại cũng phân tích, bản ảnh pháp y thể hiện ông Hải bị vỡ nhiều xương phần đầu nên chắc chắn không phải do các bị cáo đấm bằng “chân tay bo”. Ngoài ra, giấy chứng thương thể hiện ông Hải bị chết lâm sàng trên đường đi tới bệnh viện cấp cứu.

Theo luật sư, các bị cáo đã dùng mũ bảo hiểm đánh đập đến cùng, thể hiện ý chí muốn tước đoạt tính mạng bị hại. Vì vậy, hành vi của cả 3 người đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, không phải “Cố ý gây thương tích” như án sơ thẩm quy kết.

Đại diện VKSND đề nghị tòa bác quan điểm trên, cho rằng khi phân tích để khép các bị cáo vào tội cố ý hay giết người cần chứng minh ý chí của các bị cáo có muốn sát hại ông Hải hay không. Kiểm sát viên khẳng định, các bị cáo và bị hại không quen biết, mâu thuẫn từ va chạm giao thông sau đó xô xát… nên hoàn toàn không có ý giết chết ông Hải.

Sau nghị án, HĐXX phúc thẩm bác đề nghị của phía bị hại nhưng cũng cho rằng bản án sơ thẩm “tuyên nhẹ”, chưa tương xứng mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo.

Vì vậy, tòa phúc thẩm nâng hình phạt, tuyên Thành nhận 8 năm 9 tháng tù; Mạnh 7 năm 9 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”; Nguyễn Hồng Lâm bị chuyển từ 15 tháng tù “treo” sang tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.