Thực phẩm sạch: Đã đắt còn kiêu
“Bão” thực phẩm bẩn tung hoành trên thị trường khiến nhiều bà nội trợ run rẩy mỗi khi đi chợ nấu nướng. Được đà, thực phẩm sạch lên ngôi, làm mưa làm gió, đỏng đảnh và kiêu căng thử thách lòng kiên nhẫn của khách hàng.
Sạch nên đắt, đắt vẫn “cháy” hàng
Tin táo nhiễm độc, chuối, đu đủ tiêm thuốc kích thích nhanh chín... khiến người có thói quen ăn hoa quả hàng ngày như chị Nguyễn Thị Huyền (Ngõ 175 Xuân Thủy, Cầu Giấy) cảm thấy choáng váng. Nhìn các sạp bán hoa quả trên đường hay kể cả trong siêu thị, chị cũng chẳng tin. Chị đinh ninh những trái nho, táo, lê... tròn mẩy, bóng đẹp kia biết đâu lại bị ngâm thuốc, nhiễm độc từ lúc nào. Chị ngừng mua, chỉ dùng những thứ gửi từ quê lên và theo lời mách bảo tin cậy của bạn bè.
Một sáng đầu tuần, người bạn cùng cơ quan đi chơi về biếu mỗi phòng một vài trái ổi làm quà. Người bạn giới thiệu mua ổi tại Đông Anh, Hà Nội. Đây là ổi sạch, bán tại vườn. Trái ổi to, vàng óng, miếng ổi mềm, vị ổi ngọt mát và thơm đúng vị. Cả phòng chị Huyền có 3 người mà ăn không hết được một quả, hỏi ra mới biết, mỗi quả nặng gần 1 kg.
Như bắt được vàng, ngay chiều hôm ấy, chị Huyền phóng xe máy sang Đông Anh theo chỉ dẫn của người bạn. Đi qua thị trấn Đông Anh, xuống tận cầu Phủ Lỗ, chị Huyền tìm mỏi mắt không thấy hàng bán ổi trên quốc lộ 3 như lời người bạn đã giới thiệu. Hỏi người dân quanh vùng, không một ai biết tin tức. Chị thất vọng bỏ về.
Tuy nhiên, hình ảnh những trái ổi ngon cứ quấn lấy tâm trí chị Huyền. Chị chia sẻ: “Không phải lúc nào cũng mua được đồ ăn sạch ở Hà Nội, thậm chí phải săn lùng ráo riết. Đi hụt 70km không mua được nhưng tôi nhất định phải tìm cho ra vườn ổi sạch đó”.
Đoán già đoán non, đúng cuối tuần chị Huyền lại quay trở lại với mong muốn mua bằng được trái ổi sạch. Trời không phụ lòng người, đến thôn Lâm Tiên, xã Nguyên Khê, Đông Anh, chị tìm được quán ổi mà cô bạn cơ quan đã mua. Qua tìm hiểu chị được biết, gia đình này chỉ bán ổi vào 2 ngày cuối tuần, ngày thường không bán! Vì vậy, có muốn mua số lượng nhiều hoặc mang đi biếu, người mua phải gọi điện đặt trước vài ngày.
Giống ổi mà chị Huyền hỏi mua là ổi lai lê, người trồng ổi đã phải bọc từng quả ổi từ khi bằng ngón chân trong chiếc túi bóng để tránh sâu hại, đảm bảo không phun thuốc trừ sâu, không phun thuốc kích thích lớn. Vườn ổi rộng 3-4 sào nên công sức mà gia đình bỏ ra để có được quả ổi ngon là không nhỏ. Mặc dù ổi đang trái mùa nhưng hai ngày cuối tuần, họ bán tới 2-3 tạ phục vụ người dân trong vùng và khách thập phương. Vào đúng vụ, số ổi được bán ra nhiều gấp 2, gấp 3 lần khi trái mùa.
Chị Huyền kể: “Ổi bán 30.000 đồng/kg, so với giá siêu thị đắt gấp đôi, so với giá chợ đắt gấp 3. Họ giải thích đắt nhưng sắt ra miếng. Ổi sạch, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Nhiều người hỏi mua với giá thấp hơn, họ nhất quyết không bán. Vì là ổi sạch nên họ khá tự tin giữ giá cao, mình muốn ăn đồ sạch thì phải trả tiền cao”.
Sạch nên hiếm
Cùng tâm lý săn tìm thực phẩm sạch nên chị Vũ Thị Hồng (Ngõ 117 Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) mừng ra mặt khi biết tại chợ gần nhà có bán giá đỗ sạch. Chị nói: “Hai đứa trẻ nhà chị thích giá đỗ nhưng chị không có thời gian làm, phải tìm mua ở chợ. May quá có hàng sạch, chứ chị sợ mua phải loại giá đỗ có hóa chất độc lắm”.
Hàng giá đỗ sạch chị Hồng tin tưởng do một bác chừng 60 tuổi bán đều đặn mỗi sáng. Những mầm giá đỗ được ủ theo phương pháp truyền thống, không thuốc kích thích, 5-6 ngày mới được bán. Giá đỗ gầy và dài, giá có rễ mọc tua tủa.
Được biết, mỗi ngày người bán hàng chỉ bán khoảng 5 kg giá đỗ, lại là hàng giá đỗ sạch duy nhất tại chợ nên chị Hồng thường phải đi chợ từ sớm để lựa mua, từ 8h sáng trở ra, hiếm khi hàng còn. Chị Hồng chia sẻ: “Không phải lúc nào cũng mua được giá sạch đâu, có hôm phải xếp hàng đấy. Người ta cũng như mình, mong mua được thực phẩm sạch để ăn nên đi chợ cũng phải chen lấn nhau. Không nhanh chân chỉ có nhịn”.
Vì “không nhanh chân” nên nhiều hôm, chị Hồng đến “phát khổ” với hai cậu con trai nhỏ tuổi ở nhà. “Đến bữa, đứa nào cũng hỏi mẹ ơi không có giá à. Hai đứa lại khóc mếu đòi ăn mà mình thì không dám mua linh tinh ở chợ, thế là phải khổ sở dỗ dành hai đứa con mới chịu ăn cơm. Cái thời loạn thực phẩm này khổ lắm”, chị Hồng than thở.
Chị Hồng cũng nói thêm, chị và bạn bè xung quanh tìm mua thực phẩm sạch theo đánh giá chủ quan và kinh nghiệm chứ không hề theo quy chuẩn chất lượng sản phẩm. “Thông thường, đi mua rau, người ta bảo đó là đồ sạch từ quê mang lên bán, rau xấu xấu, lỗ chỗ sâu thì chúng tôi tin mua hơn là rau xanh non mơn mởn. Rau đó bán đắt hơn rau thường, chúng tôi vẫn phải mua”, chị Hồng nói.
Trả lời báo chí, ThS Trần Trọng Vũ - giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Công nghệ Sài Gòn cho biết, trong ngành công nghiệp thực phẩm, người ta không sử dụng khái niệm “thực phẩm sạch” một cách chung chung, mà chỉ xây dựng các tiêu chuẩn cho “thực phẩm an toàn”. “Từ “sạch” trong cách gọi “thực phẩm sạch” thực tế chỉ là cách gọi mang tính phổ thông do người bán muốn tạo ấn tượng với người tiêu dùng”, ông Vũ nói.
Tiêu chuẩn phổ biến hiện nay là VietGAP - quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nêu ra các tiêu chí để hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp đảm bảo loại bỏ các mối nguy tiềm ẩn trong sản xuất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Về nguyên tắc, nếu sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình VietGAP thì người tiêu dùng an tâm sử dụng vì sản phẩm không tồn dư chất độc hại. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic...
Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng dựa vào đâu để nhận biết được nguồn gốc xuất xứ an toàn và chưa an toàn? Vì thế, để tránh tình trạng các điểm bán trà trộn hàng trôi nổi, gắn mác “thực phẩm sạch”, bán giá cao, rất cần sự giám sát, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Theo Khổng Chiêm
Vietnamnet