> Nhiều hàng hóa, dịch vụ Tết tăng giá mạnh
> Giá thực phẩm tăng cao nhất trong 11 tháng
Bún phở, gửi xe: “Chặt chém” ngày Tết
Sáng mùng 2 Tết, sau khi dạo phố thưởng ngoạn cái vắng vẻ của phố phường Hà Nội, tôi tạt vào quán bún bò Huế và cháo tại mặt ngõ trên phố Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình).
Gọi tô bún bò Huế, ăn xong chủ quán tính 50.000 đồng. Ngày Tết, tôi chưa kịp thắc mắc, chủ quán đã giải thích: “Ngoài chợ nguyên liệu ít người bán và cái gì cũng tăng nên tôi phải tăng thôi”.
Ngày hôm qua (mùng 8 Tết) tôi quay lại quán bún đó ăn, cũng vẫn tô bún bò Huế như hôm trước. Lần này tôi đưa sẵn tờ 50.000 đồng, thì chủ quán trả lại 15.000 đồng và nói to: “Bát bún chỉ có 35.000 đồng thôi cháu ạ”.
Trên những con phố như: Cầu Giấy, Xuân Thủy, Nguyễn Trãi nhiều quán bún, phở, cháo mọc lên trên vỉa hè không giống những quán ăn sáng thông thường để bán tranh thủ những ngày Tết. Và theo khảo sát giá mỗi bát bún, cháo, phở ngày mùng 8 Tết bắt đầu hạ nhiệt từ: 5.000 – 10.000 đồng còn: 25.000 – 35.000 đồng/bát.
Hàng loạt các dịch vụ như: trông xe vào công viên, rửa xe… đều hạ giá 10 – 30% so với những ngày đầu năm mới.
Tuy nhiên, gửi xe vào công viên, các tụ điểm vui chơi giải trí, đền chùa trong nội thành vẫn cao hơn ngày thường: 5.000 – 10.000 đồng/xe. Cụ thể, vào Phủ Tây Hồ ngày mùng 2 Tết giá 20.000 đồng/xe máy, 70.000 đồng/xe ô tô thì ngày hôm qua còn: 15.000 đồng/xe máy, 60.000 đồng/ xe ô tô.
Giá thực phẩm: Dần hạ nhiệt
Tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), giá rau xanh, thịt lợn chỉ tăng nhẹ so với ngày thường, còn giảm mạnh so với những ngày trước Tết và sau Tết 1, 2 ngày. Một mớ rau muống trước Tết và sau Tết 1, 2 ngày có giá 8.000 đồng/ mớ, su hào: 10.000 đồng/củ, rau cải: 20.000 đồng/cân thì nay giảm từ: 3.000 – 5.000 đồng/mỗi loại.
Chị Bích (Lương Thế Vinh, Thanh Xuân) cho biết: “Ngày mùng 3 Tết tôi đi chợ mua rau về làm lẩu, riêng rau tốn hơn 100.000 đồng, nhưng ngày hôm qua giá rau giảm hẳn, có những loại giảm về gần với giá ngày thường như: rau muống, cải cúc…”.
Theo một tiểu thương bán rau tại chợ Phùng Khoang, sở dĩ giá rau giảm sau Tết và chỉ tăng nhẹ so với ngày thường bởi trời nắng ấm, rau mọc nhiều, rau không bán nhanh thì chỉ sau 3 ngày là héo hết.
Còn tiểu thương bán thịt lợn trong chợ cho hay: “Sức mua của người dân bây giờ giảm so với mọi năm nên giá chỉ tăng cao khi cận Tết và sau Tết 1 – 2 ngày, còn nay ngồi từ sáng cũng chỉ có vài khách mua, nên tăng cao thì bán cho ai”.
Dạo quanh các chợ, siêu thị tại TPHCM giá cả các mặt hàng thực phẩm sau Tết vẫn ở mức cao từ 10 – 15 % so với ngày thường. Thịt heo tại Vissan tương đối bình ổn ở tất cả các mặt hàng như thịt heo đùi vẫn ở giá 77.000 đồng/1kg, thịt vai 72.000 đồng/kg, cốt lết heo 82.000 đồng/kg, thịt ba rọi 86.000 đồng/kg…riêng thịt bò 200.000 đồng/kg.
Theo nhiều thương lái tại chợ Bà Chiểu, Hàng Xanh, Văn Thánh cho biết cá biển mắc hơn cá đồng. Cá chim 120.000 đồng/kg, cá nục, cá bạc má 60.000 đồng/kg, cá diêu hồng 55.000 đồng/kg, cá lóc 80.000 đồng/kg…
Mực ống 180.000 đồng/kg, tôm sú 200.000 đồng/kg…Rau củ quả tại các chợ giá cả tăng nhẹ như cà rốt, khoai tây, rau xanh tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg và không khan hiếm.
Siêu thị giảm giá, mở cửa sớm
Vòng qua siêu thị Big C, Fivimak, Citimart… tại Hà Nội, cũng như mọi năm, các siêu thị đều đã mở cửa trở lại, giá các mặt hàng vẫn ổn định như trước Tết.
Đặc biệt, các siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng với các sản phẩm tươi sống, rau củ quả… để kéo khách hàng tới siêu thị. Nhiều siêu thị mở cửa từ ngày mùng 2 Tết và thu hút lượng khách không nhỏ tới mua bởi giá ổn định hơn so với ngoài chợ.
Tại TP HCM, hệ thống siêu thị Big C giảm giá từ 5-50%, 700 mặt hàng. Hệ thống Co.op Mart có nhiều chương trình khuyến mãi ngay từ ngày khai trương đầu năm mùng 6 tết (15-2) để khuyến khích sức mua của người tiêu dùng.