Thúc đầu tư công 3 tháng cuối năm: Vượt áp lực để sớm giải ngân

TP - Đầu tư công là một trong các giải pháp của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng. Áp lực giải ngân trong 3 tháng cuối năm rất lớn, khi số vốn còn lại theo kế hoạch còn lớn hơn số tiền đã giải ngân được của 9 tháng trước cộng lại.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn bằng vốn ngân sách không thể về đích vào cuối năm nay một phần do dịch COVID-19. Ảnh: MT

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam), khởi công tháng 9/2019, mục tiêu hoàn thành cuối năm 2021, với tổng vốn đầu tư hơn 7.669 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Tới nay, tiến độ dự án đang chậm và không thể về đích đúng hẹn. Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - đại diện chủ đầu tư cho hay, tới nay tiến độ thi công dự án đạt hơn 70% khối lượng, giải ngân đạt 63%, dự kiến phải lùi thời gian hoàn thành tới quý 2/2022.

Lý do dự án chậm tiến độ, theo ông Quý, do ảnh hưởng mưa bão phải dừng thi công 4-5 tháng một số gói thầu cuối năm 2020; thiếu vật liệu đất đắp nền kéo dài từ khi khởi công tới nay mới được giải quyết, một số vị trí vướng mắc mặt bằng. Đặc biệt, với đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, một số địa phương giãn cách xã hội dẫn tới khó khăn trong huy động nhân lực, máy móc, vật liệu tới công trường.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội), từ tháng 7 tới nay, nhà thầu nước ngoài thi công một số ga ngầm dừng thi công, do vướng mặt bằng. Bên cạnh đó, tiến độ tổng thế dự án này cũng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên Hà Nội giãn cách xã hội, làm công trường khó khăn trong huy động nhân công, máy móc và chuyên gia nước ngoài. Dự án này cũng khó có thể cho hoạt động ở đoạn đã thi công xong (đoạn đường trên cao) vào cuối năm nay và phần ngầm vào cuối năm 2022 vì phần việc bị kéo lùi . Tiến độ xây dựng chậm từ đó đang kéo theo việc giải ngân vốn cũng chậm theo.

Tính đến cuối tháng 9/2021, Bộ KH&ĐT đã nhận được đề xuất của 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương xin trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021. Nguyên nhân không "tiêu hết tiền" là bởi dịch bệnh COVID -19, giãn cách khiến nhiều kế hoạch bị đình trệ.

Tương tự, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành từ tháng 5 tới nay cũng gần như dừng thi công, do công trường đi qua địa bàn TPHCM, Long An, Đồng Nai - những địa phương chịu tác động nặng bởi dịch COVID-19. Hiện nay, việc cung cấp vật liệu tới công trường khó khăn, thiếu ổn định nên cũng khó cho các nhà thầu.

Với 2 dự án trọng điểm quốc gia là giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tới nay tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được 47% kế hoạch vốn, riêng vốn năm nay mới giải ngân được gần 19%. Hiện tại, vẫn còn hơn 12.102 tỷ đồng nằm ở kho bạc. Với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dù đã giải ngân đạt hơn 60% kế hoạch, nhưng một số đoạn vẫn chậm tiến độ (đoạn Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây). Lý do là các dự án cao tốc chậm cũng vì ảnh hưởng dịch COVID-19, vướng mặt bằng, thiếu vật liệu...

3 tháng để giải ngân số tiền lớn

Bộ Tài chính cho biết, năm nay, tổng vốn đầu tư công đã giao hơn 524.668 tỷ đồng. Tới hết tháng 9, cả nước giải ngân được trên 256.228 tỷ đồng (đạt 42,5% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước 13,7%). Trong đó, vốn vay nước ngoài mới giải ngân được gần 12,7%. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm, các bộ ngành, địa phương cần giải ngân số tiền lên tới 268.400 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Bộ Tài chính cũng là do dịch COVID-19. Dịch bệnh khiến các dự án gặp khó trong huy động nhân lực, máy móc, vật tư phục vụ thi công; các nguyên nhân tồn tại lâu nay vẫn cản trở dự án như mặt bằng, thủ tục; nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, đề xuất điều chỉnh, cắt giảm vốn đã giao từ nguồn ngân sách trung ương cho các bộ ngành, địa phương giải ngân đến ngày 30/9 dưới 60%. Phần cắt giảm này chuyển cho các bộ ngành, địa phương và những dự án giải ngân tốt. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH&ĐT phân tích rõ nguyên nhân chậm giải ngân để đề xuất giải pháp tháo gỡ...

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận: dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mùa mưa bão ở miền Trung và Tây Nguyên... sẽ tiếp tục tác động tới hoạt động triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, tiến độ giải ngân đầu tư công chậm như hiện nay đã vào mức “báo động”, nếu không thay đổi cách làm, cho phép công trình thi công trở lại, thì không có cách nào hoàn thành mục tiêu…

Ông Doanh đề xuất Chính phủ có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn giản hoá thủ tục, vận dụng công nghệ thông tin, kinh tế số để giám sát công trình đầu tư công. Việc này đảm bảo công khai minh bạch, quy trình nhanh gọn, phù hợp với tình hình hiện nay.

Chia sẻ với Tiền Phong, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để dự án thi công hoặc đẩy nhanh tiến độ nhằm tăng giải ngân vốn được, phải có công nhân, máy móc, vật liệu, muốn vậy cần sớm cho người dân, hàng hóa lưu thông rộng rãi... Mấu chốt để “gỡ” điều này là nên cân nhắc bỏ ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nếu dịch bùng phát.

Theo Bộ Tài chính, tới hết tháng 9/2021, có 36/50 bộ, ngành và 20/63 địa phương giải ngân dưới 40% (trong đó có 20 bộ và 2 địa phương giải ngân dưới 20%), như: Liên minh Hợp tác xã, Đại học Quốc gia TPHCM, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động, Viện Khoa học công nghệ, Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế; các địa phương như: Bắc Kạn, Cần Thơ, An Giang, TPHCM, Hà Nội, Kiên Giang...

Đặc biệt, 3 cơ quan chưa giải ngân được đồng vốn kế hoạch nào, gồm: Hội Nhà báo, Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật.