Thừa thầy, thiếu thợ - Điểm yếu của kinh tế Việt Nam

TP - Hãng tin AP (Mỹ) ngày 16/11 có bài phản ánh yếu điểm của kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Việt Nam đang thiếu sinh viên ngành kỹ thuật

Kinh tế Việt Nam đang đạt được bước tiến đầy ấn tượng, nhưng vẫn còn bị vướng mắc bởi những rào cản như cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đội ngũ kỹ sư lành nghề và hệ thống giáo dục đại học chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ông Thân Trọng Phúc - Tổng Giám đốc Intel ở Việt Nam, Lào, Campuchia - cho biết tập đoàn muốn Chính phủ Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật.

Ông Phúc nói: “Có nhiều sinh viên chọn ngành học về kinh doanh, marketing và tài chính hơn là kỹ thuật. Chúng tôi muốn hợp tác với Chính phủ để khuyến khích nhiều sinh viên theo học ngành kỹ thuật". Ông Phúc cũng cho biết, tập đoàn Intel cũng muốn làm việc cùng các trường đại học và Bộ Giáo dục Đào tạo để hiện đại hoá các môn học bao gồm cả những khóa học tập trung vào kinh nghiệm thực tế, ít dựa vào lý thuyết.

Việt Nam hy vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,2% trong năm nay, mức cao nhất ở Đông Nam Á, và chính quyền cần tăng tốc các cải cách về thị trường. Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam, cho rằng Việt nam cần phát triển “văn hoá đổi mới”, đặc biệt ở các trường đại học. Ông Pincus nói: “Hệ thống trường đại học phải phản ứng nhanh nhạy hơn trước yêu cầu đổi mới của các ngành công nghiệp”.

Ông Christoph Wiesner -  Thành viên Phái đoàn Ủy ban châu Âu, nhận định rằng việc gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên toàn khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Wiesner, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và đó là rào cản với các nhà đầu tư. Chuyên gia từ Ủy ban châu Âu phân tích: “Cầu cảng là vấn đề đau đầu nhất. Dù đã có một số cải thiện, nhưng việc vận chuyển container vẫn mất nhiều thời gian và đắt hơn những nơi khác trong khu vực”.

D.H
Theo AP