Thua lỗ, đại gia CK nào tiếp tục 'ngã ngựa'?
> ‘Đại gia’ ngành chứng khoán, ai hơn ai?
Thị trường chứng khoán (TTCK) vừa có dấu hiệu phục hồi đã nhanh chóng bị vùi dập bởi thông tin một số doanh nghiệp lớn "ngã ngựa" với mức lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng và tình trạng thiểu phát trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết.
Đại gia làm ăn èo uột
TTCK tiếp tục giảm khá mạnh, chỉ số VN-Index đâm thủng ngưỡng hỗ trợ 420 điểm, trong khi HNX-Index đang tiến sát về 70 điểm. Thị trường dường như đang phản ứng tiêu cực sau khi một số doanh nghiệp trụ cột trên 2 sàn công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng.
Theo đó, đại gia xây dựng ngành dầu khí PVX của Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2012 (công ty mẹ) với chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt từ 2-5 lần, trong khi doanh thu chỉ bằng khoảng 30% cùng kỳ khiến doanh nghiệp lỗ gần 300 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí tài chính quý II/2012 của PVX tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ lên gần 195 tỷ đồng, trong đó riêng lãi vay lên tới hơn 66 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng vọt từ 69 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 125 tỷ đồng.
Riêng trong quý II, PVX lỗ 298,3 tỷ đồng (sau thuế), so với mức lãi 34,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2011. Tính chung trong 6 tháng, PVX lỗ hơn 293 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II giảm từ 966 tỷ đồng cùng kỳ xuống chỉ còn 321 tỷ đồng.
Đây là kết quả khá thất vọng với một doanh nghiệp hàng đầu trên cả 2 sàn chứng khoán và nằm trong danh sách HNX30 trên sàn Hà Nội.
Trường hợp của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC (mã PVF), dù không lỗ nhưng mức lợi nhuận trong quý II quá khiêm tốn 13,58 tỷ đồng (so với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng) cũng cho thấy thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường đang làm việc kém hiệu quả hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhỏ.
Theo báo cáo, lợi nhuận sau thuế quý II của PVF đã giảm trên 82% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận cũng giảm gần 27% và chỉ đạt gần 170 tỷ đồng. Như vậy, tính trên 600 triệu cổ phiếu đang hưu hành thì lợi nhuận trên 1 cổ phiếu (EPS) thực sự thấp.
Không thuộc tốp dẫn đầu về quy mô trên thị trường, nhưng KDC của Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) cũng thuộc loại doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình (bánh kẹo). Doanh nghiệp này vừa công bố tình hình kinh doanh quý II với mức lỗ gần 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 22,53 tỷ đồng).
Kết quả kém hấp dẫn này là do doanh thu bán hàng của doanh nghiệp này giảm 20,5% so với cùng kỳ và chi phí giá vốn hàng bán tăng mạnh. Báo cáo cho biết, chi phí tài chính phải trả tăng 134% và trong chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 25,11%. Mặc dù lợi nhuận lũy kế cả 6 tháng vẫn đạt khá và tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng rõ ràng, những con số trong báo cáo quý II cho thấy KDC cũng đang gặp khó khăn về bán hàng cũng như chi phí đầu vào.
Hay như LCG của Công ty Cổ phần LICOGI 16 (cũng thuộc hàng những doanh nghiệp có vốn tầm trung trên thị trường), doanh nghiệp này vừa công bố kết quả kinh doanh quý II của công ty mẹ cũng khá đáng thất vọng, lợi nhuận giảm gần 90% so với cùng kỳ (7,13 tỷ đồng).
Tính chung 6 tháng, LCG lãi 7,45 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 103,53 tỷ đồng cùng kỳ năm 2011. Lợi nhuận giảm do doanh thu giảm mạnh (hơn 42%) và chi phí tăng.
Ngoài các doanh nghiệp nói trên, có thể thấy còn nhiều doanh nghiệp lớn vừa công bố kết quả kinh doanh trong vài ngày gần đây lỗ hoặc có lợi nhuận quý II tụt giảm khá mạnh như: TDH (giảm hơn 90%), KLS (lỗ 11,5 tỷ), VOS (lỗ 43 tỷ), MBS (lãi 5,5 tỷ, so với vốn 800 tỷ), QCG (lãi 361 triệu đồng/vốn 1.200 tỷ)...
Như vậy, sau 1-2 tuần đón nhận những báo cáo kết quả kinh khá tích cực của các doanh nghiệp niêm yết (đa phần là doanh nghiệp nhỏ), giới đầu tư đang trở lại tình trạng kém lạc quan với những báo cáo khá thất vọng của nhiều doanh nghiệp lớn.
Điều khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng hơn, đây mới chỉ là báo cáo tự lập, chưa phải báo cáo kiểm toán soát xét. Lịch sử đã cho thấy, sau kiểm toán, nhiều doanh nghiệp lộ ra con số lỗ lớn hơn nhiều, thậm chí từ lãi nhiều chuyển thành lỗ nặng.
CPI giảm: Nền kinh tế đang yếu đi
Không chỉ giới hạn ở một vài doanh nghiệp, tình trạng hoạt động kinh doanh khó khăn (với biểu hiện rõ nét là doanh thu bán hàng và dịch vụ tụt giảm và tồn kho cao) đang có dấu hiệu lan rộng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 với mức giảm 0,29% đang dấy lên sự lo ngại về một viễn cảnh nền kinh tế (mà theo đó là các doanh nghiệp) phục hồi chậm chạp và khó khăn.
Thời gian gần đây, thị trường dường như đánh giá việc CPI giảm tương đồng với sự yếu đi của nền kinh tế và nó được cho là sẽ có tác động xấu chả kém thời kỳ lạm phát cao.
"Lạm phát cao thì còn hút tiền về, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nâng lãi suất... thời gian khống chế có thể chỉ cần khoảng 1-1,5 năm. Trong khi đó, giảm phát tuy không có tác động mạnh ngay lập tức nhưng bệnh không hề nhẹ và thời gian phục hồi rất lâu, có thể lên tới 4-5 năm", một nhà đầu tư chia sẻ.
Trên thực tế, TTCK trong 2 ngày đầu tuần phản ứng khá dữ dội với thông tin CPI của các tình thành phố (sau đó là của cả nước) giảm, và thông tin xấu với hai trụ cột BVH và PVX (HSBC muốn thoái vốn tại BVH).
Áp lực bán cổ phiếu trên cả hai sàn tăng lên trông thấy, còn sức cầu cổ phiếu bỗng nhiên tụt giảm khi mà kỳ vọng vào một đợt sóng tăng mới bị vùi dập bởi những thông tin không mấy tích cực.
Theo nhiều nhà đầu tư, sau 2 tháng CPI âm liên tục (và khả năng sẽ còn giảm tiếp), giảm phát không còn là biểu hiện nữa mà đã trở thành nỗi lo thực sự. Giảm phát được đánh giá là sẽ khó chữa trị hơn và nếu thời gian kéo dài thì TTCK có thể sẽ giảm rất sâu.
Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, nếu chỉ số VN-Index phá mốc 418-420 điểm thì lực bán có thể tiếp tục gia tăng mạnh hơn. Và hơn hết, SSI nhận định, các nhà đầu tư lướt sóng chỉ nên mua vào tỷ trọng nhỏ các cổ phiếu có sẵn để gia tăng lợi thế và bán nhanh ở điểm hồi phục.
Ở chiều ngược lại, một số công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng, việc thị trường giảm đến phiên thứ 3 liên tục là một dấu hiệu e ngại nhưng có thể chứng khoán không đến nỗi quá tiêu cực. Xét về mặt kỹ thuật, cả hai chỉ số vẫn nằm trên điểm hỗ trợ rất mạnh là 69,4 điểm (với HNX-Index) và 411 điểm (VN-Index).
Theo BSC, phiên giảm điểm ngày 24-7 vẫn có thể coi đây là nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường. Trong khi Kim Eng cho biết, xét thuần túy trên các hỗ trợ kỹ thuật, vẫn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng có những đánh giá khá tích cực về TTCK. Gần đây, ông cho rằng, tổng cầu sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm và TTCK sẽ có tác động tích cực của chính sách vĩ mô mà Chính phủ sẽ thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, hiện tại trên thị trường, giới đầu tư đang tỏ ra rất bi quan và bán tháo khá mạnh. Điều họ quan tâm là có quá nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hề thoát ra được khỏi khó khăn. Tiền mặt của nhiều doanh nghiệp tụt về mức gần như bằng 0 và tình hình bán hàng xem ra ngày càng bi đát (doanh thu đại bộ phận giảm mạnh).
Trong thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp đối mặt với việc lợi nhuận bị giảm, thậm chí thua lỗ là điều hết sức bình thường. Lý do đơn giản là vì chí phí đầu vào tăng, trong khi giá hàng hóa và dịch vụ bán ra lại không tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, việc doanh thu giảm nghiêm trọng như nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt như nói trên thực sự là vấn đề khá nghiêm trọng.
Nhiều người cho rằng, thời điểm hiện tại là cần thiết nhưng kích cầu giới hạn thì doanh nghiệp khó hồi phục, còn nếu quy mô lớn thì lạm phát có thể quay trở lại. Hơn thế, có kích cầu mạnh đi chăng nữa thì cũng phải có thời gian thì các doanh nghiệp mới hồi phục được. Năm 2008, gói kích cầu khổng lồ hàng tỷ USD cũng phải mất vài tháng TTCK mới tạo đáy.
Theo Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam