Ông Scholz giành được sự ủng hộ của 207 nghị sĩ trong Hạ viện gồm 733 ghế, trong khi 394 nghị sĩ bỏ phiếu chống và 116 người bỏ phiếu trắng, nghĩa là ông không đạt được đa số 367 cần thiết để giành chiến thắng.
Thủ tướng Scholz lãnh đạo một chính phủ thiểu số sau khi liên minh ba đảng tan vỡ vào ngày 6/11, xuất phát từ việc ông sa thải bộ trưởng tài chính vì mâu thuẫn về kế hoạch phục hồi nền kinh tế.
Sau đó, các lãnh đạo của một số đảng lớn nhất trí sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025, sớm hơn 7 tháng so với lộ trình thông thường. Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm là thủ tục cần thiết vì Hiến pháp Đức sau Thế chiến II không cho phép quốc hội tự giải tán.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 16/12, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier là người quyết định có giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử hay không. Tổng thống Steinmeier có 21 ngày để đưa ra quyết định đó. Sau khi quốc hội giải tán, bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Ông Scholz, người thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả, nói với các nghị sĩ rằng cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu "chúng ta, với địa vị một quốc gia hùng mạnh, có dám đầu tư mạnh mẽ vào tương lai của mình hay không; chúng ta có tự tin vào bản thân và đất nước của mình hay không, hay chúng ta sẽ đặt tương lai của mình vào thế nguy hiểm? Chúng ta có mạo hiểm sự gắn kết và thịnh vượng của mình bằng cách trì hoãn các khoản đầu tư đã quá hạn từ lâu không?"
Thủ tướng Scholz cho biết Đức là nước hỗ trợ quân sự lớn nhất của Ukraine ở châu Âu và ông muốn duy trì điều đó, nhưng nhấn mạnh sẽ không cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus, vì lo ngại sẽ leo thang với Nga hoặc kéo quân đội Đức vào cuộc xung đột.
"Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho an ninh của chính mình", Thủ tướng Scholz nói.
Ứng cử viên trung hữu Friedrich Merz cho rằng nước Đức đang rơi vào “một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến".
Là người ủng hộ việc gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, ông Merz tuyên bố: "Chúng tôi không cần bất kỳ bài giảng nào về chiến tranh và hòa bình" từ đảng của ông Scholz. Tuy nhiên, ông cho biết các đối thủ chính trị ở Berlin đoàn kết với "ý chí tuyệt đối để làm mọi thứ giúp cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt".
Các cuộc thăm dò cho thấy đảng của Thủ tướng Scholz đang tụt khá xa so với khối Liên minh đối lập chính của ông Merz.
Phó Thủ tướng Robert Habeck của đảng Xanh - đối tác còn lại trong chính phủ hiện tại, cũng đang muốn cạnh tranh ghế thủ tướng, dù đảng của ông đang bị dẫn trước khá xa.
Đang có vị trí tốt trong các cuộc thăm dò, đảng cực hữu Alternative for Germany đề cử bà Alice Weidel làm ứng cử viên thủ tướng. Tuy nhiên, bà không có cơ hội vì các đảng khác từ chối hợp tác với đảng này. Hệ thống bầu cử của Đức thường tạo ra các liên minh cầm quyền và các cuộc thăm dò cho thấy không đảng nào đạt được đa số tuyệt đối.
Đức hiếm khi tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội, vì quốc gia 83 triệu dân coi trọng sự ổn định. Đây là lần thứ 6 trong lịch sử hậu chiến thủ tướng triệu tập một cuộc bỏ phiếu như vậy.
Lần gần đây nhất diễn ra năm 2005. Thủ tướng Gerhard Schröder khi đó kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm để bầu cử sớm, sau khi ứng cử viên trung hữu Angela Merkel giành chiến thắng sít sao.