Thủ tục tang lễ Đức Giáo hoàng

Theo tục lệ, khi cởi bỏ quần áo cho người vừa chết, người ta sẽ gọi tên Thánh của vị Giáo hoàng 3 lần. Nếu không có tiếng trả lời thì chính thức được coi là đã qua đời.

Theo thủ tục, Hồng y Eduardo Martinez Somalo, người giữ chức quản gia trưởng tại Vantican đã xác nhận Giáo hoàng qua đời.

Chiếc nhẫn và ấn của Giáo hoàng vừa qua đời được đập vỡ. Dù ngày nay đây chỉ là một nghi thức, nhưng trong quá khứ, đó là cách ngăn ngừa chuyện làm giấy tờ giả bằng dấu chiếc nhẫn và ấn tín của vị đứng đầu giáo hội.

Thủ tục nghiêm ngặt của Vatican quy định rằng tin về Giáo hoàng qua đời được truyền cho Curia, tức cơ quan phụ trách mọi công việc hành chính của Toà Thánh, cũng như gửi chính thức cho các nguyên thủ quốc gia và ngoại giao đoàn.

Nên nhớ Vatican là một nhà nước và Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia nên đây cũng là thủ tục ngoại giao với các quốc gia khác trong trường hợp người đứng đầu nhà nước qua đời.

Tuy vậy, tại Vatican, chỉ có đài phát thanh Vatican là cơ quan truyền thông chính thức loan tin về cái chết của Giáo hoàng.

Cũng theo giáo luật thì mỗi vị Giáo hoàng đều có quyền quyết định cách cử hành tang lễ của chính mình.

Lần này, Toà Thánh sẽ làm theo những quy định mới của Giáo hoàng John Paul II đặt ra và sửa đổi năm 1996.

Tiến sĩ John Pollard, một sử gia từ ĐH Cambridge ở Anh, giải thích rằng thi hài của Giáo hoàng được tẩm liệm và để cho các tín đồ vào viếng. Nhiều khả năng lễ này được làm tại Thánh đường Thánh Phêđrô tức Saint Peter's Basilica.

Lễ viếng, lễ tang sẽ đi kèm với các bài cầu nguyện, thánh ca vĩnh biệt. Người ta sẽ chôn cất vị giáo hoàng này trong thời gian từ thứ Tư đến thứ Sáu tuần tới.

Tang lễ chính thức được cử hành ở quảng trường Thánh Phêđrô tại Roma. Các nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ tôn giáo thế giới là khách mời cùng tín đồ.

Theo thông lệ, thi hài của Giáo hoàng sẽ được chôn cạnh các vị tiền nhiệm trong hầm mộ dưới đền thờ chính tại Thánh đường Thánh Phêđrô.

Từng có lời đồn Giáo hoàng John Paul II muốn được chôn cất cả Ba Lan, nhưng các chuyên gia nói rất ít có khả năng đó.

Thứ nhất là vì dù là người Balan, Giáo hoàng chính thức là nguyên thủ quốc gia Vatican và là người đứng đầu Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã toàn thế giới nên tính dân tộc không thể là yếu tố chính. Thứ nhì, các Giáo hoàng sau khi lên ngôi còn chính thức là Tổng giám mục thành Roma như Thánh Phêđrô ngày xưa. Nên nơi chôn cất sẽ luôn là Roma.

Nhưng có tin tức nói Ba Lan muốn trái tim của Giáo hoàng John Paul II được mang về chôn tại quê hương Krakow, nơi Ngài làm tổng giám mục trước khi lên ngôi. Cho đến thế kỷ 19 thì có tục lệ chôn tim và xác ở hai nơi khác nhau, nhưng nay thì theo TS Pollard điều đó cũng khó xảy ra.