Cuộc họp giữa Bộ Y tế với 12 tỉnh gồm Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long để đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 16 và Nghị quyết 86 của Chính phủ. Đây là ngày cuối cùng các tỉnh, thành phố này thực hiện Chỉ thị 16 giai đoạn 2.
Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 6/8 đặt mục tiêu TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.
6 biện pháp để kiểm soát dịch bệnh
Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các địa phương phải triển khai ngay kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết 86 với mục tiêu tới ngày 25/8 phải kiểm soát được dịch bệnh. Ông đồng thời nhấn mạnh để kiểm soát được dịch bệnh tại một địa phương (cấp tỉnh/huyện/xã) cần thực hiện tốt 6 biện pháp.
Cụ thể, phải kiểm soát được không cho dịch xâm nhập, kiểm soát không bùng phát dịch từ bên trong; khi phát hiện F0 phải truy vết nhanh; đẩy nhanh tầm soát xét nghiệm; nâng cao công tác điều trị trong đó phải phân tầng điều trị để giảm tối đa trường hợp tử vong; các địa phương phải đảm bảo ổn định trật tự an toàn, an sinh xã hội.
Theo Công điện mới nhất 1081 ngày 16/8 của Thủ tướng nêu rõ 19 tỉnh, thành phố phía Nam căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố. Vì vậy Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đặc biệt lưu ý các địa phương bám sát thực tiễn, căn cứ theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5 về việc đánh giá mức độ nguy cơ theo 4 mức độ, từ đó quyết định áp dụng phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 hoặc 15 hoặc 19.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị: “Sau khi đánh giá, địa bàn nào tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối tránh “chặt ngoài lỏng trong”, đảm bảo hỗ trợ lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm ở tại chỗ, không được để người dân tự ý đi ra khỏi vùng cách ly, phong toả”.
Cùng với đó Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tập trung cao độ xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế nguy cơ “vòng xoáy lây lan” từ cộng đồng sang khu công nghiệp hoặc ngược lại hoặc lây lan trong cộng đồng và các doanh nghiệp…
Để bóc tách nhanh F0, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, từ việc đánh giá khẩn trương các vùng nguy cơ, ông đề nghị UBND 12 tỉnh/thành tỉnh sớm phê duyệt để đưa ra phương án tổng thể, kế hoạch chi tiết xét nghiệm theo từng vùng nguy cơ đã đánh giá, yêu cầu trả lời kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ. “Việc xét nghiệm càng nhanh, càng thần tốc thì càng nhanh chóng bóc tách F0, giảm lây nhiễm, từ đó giảm quá tải cơ sở điều trị”, ông Tuyên nói.
Thứ trưởng cho biết khi địa phương còn đáp ứng đủ năng lực cách ly tập trung thì phải đưa F1 cách ly tập trung. Tuy nhiên, để chuẩn bị tình huống số ca bệnh tăng nhanh, kéo theo lượng F1 lớn, Thứ trưởng đặc biệt đề nghị các tỉnh, thành phố sớm hoàn thiện phương án cách ly F1 tại nhà để trình lãnh đạo Sở Y tế hoặc UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó các tỉnh, thành phố phải chủ động đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi vắc xin về tới địa phương trên kế hoạch tiêm chủng tổng thể đã phê duyệt. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Y tế nhắc lại các địa phương không hạn chế điểm tiêm, số lượng người tiêm, đảm bảo phòng chống dịch và an toàn tiêm chủng.
“Để thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch trên đây, các tổ công tác của Bộ Y tế cần tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Sở y tế và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, mục tiêu đến ngày 25/8 phải kiểm soát được dịch bệnh, sớm đẩy lùi dịch bệnh ở các tỉnh này và trên cả nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo, 5 địa phương có số mắc cao nhất gồm: Đồng Tháp (hơn 5.300 ca), Tiền Giang (hơn 4.800 ca), Cần Thơ (hơn 2.900 ca), Vĩnh Long (gần 1.800 ca) và Bến Tre (hơn 1.300 ca). Trong 7 ngày qua, 5/12 tỉnh có số F0 tăng cao so với 7 ngày trước đó gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang; 7 tỉnh còn lại có F0 giảm.
Về tiến độ tiêm chủng, tính tới hết ngày 17/8, 12 tỉnh, thành phố trên đây đã tiêm 2.032.709 liều trên tổng số 2.261.000 liều vắc xin COVID-19 được phân bổ, đạt gần 90%.
Có 9/12 tỉnh đã hoàn thành trên 88% số vắc xin được phân bổ. 3 tỉnh còn lại gồm: An Giang mới đạt 53,6%, Kiên Giang 60% và Trà Vinh 78,2%, nguyên nhân một phần do triển khai công tác tiêm chủng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.