Ban quản lý chợ Bỉm Sơn- Thanh Hóa:

Thu tiền tỷ của các hộ kinh doanh không có hóa đơn

TP - Chợ Bỉm Sơn nằm ở trung tâm thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), cạnh quốc lộ 1A, đã được đưa vào sử dụng 13 năm. Đột nhiên, ngày 29 và 30/5/2007, hơn 500 hộ tiểu thương đã đóng quầy hàng kéo về UBND thị xã Bỉm Sơn để phản đối những việc làm của Ban quản lý (BQL) chợ, mà theo họ là trái với quy định của pháp luật.

Hiện nay, chợ Bỉm Sơn có 822 quầy kinh doanh, mua bán quần áo, đồ dùng gia đình, hàng điện tử, thực phẩm, rau quả… Trong đó có 240 quầy và 24 kiốt trong nhà tôn, 15 quầy đồng hồ và kính, 46 quầy hoa quả, 50 quầy hàng ăn, 91 quầy hàng thịt...

Theo quy định chung ở tất cả các chợ thì hằng năm các hộ tiểu thương phải ký hợp đồng với BQL chợ và đóng một khoản tiền thuê quầy; số tiền thuê của từng quầy nhiều hay ít phụ thuộc vào diện tích, vị trí của quầy và phải có hoá đơn đầy đủ.

Ở chợ Bỉm Sơn, nếu thực hiện đúng như vậy thì chắc chắn không có sự cố gì xảy ra. Nhưng điều ngang trái ở đây là, ngoài số tiền kể trên, có 337 quầy, mỗi quầy hằng năm phải nộp cho BQL chợ 250.000 - 300.000 đồng tuỳ theo diện tích, vị trí và mặt hàng kinh doanh.

Nếu chỉ lấy con số nhỏ nhất (250.000 đồng/quầy) thì mỗi năm 337 quầy này phải nộp cho BQL chợ hơn 84 triệu đồng và số tiền này không có hoá đơn.

Ngoài số tiền kể trên, mỗi tháng từng quầy đều phải đóng một khoản “lệ phí khác”; trong đó quầy phải đóng mức cao nhất là 637.000 đồng/tháng, thấp nhất 60.000 đồng/tháng.

Chưa cần tìm con số trung bình, chỉ cần lấy con số của quầy thấp nhất (60.000 đồng/tháng/quầy) thì cũng đã thấy mỗi năm các quầy này chí ít cũng phải nộp cho BQL chợ Bỉm Sơn 590 triệu đồng.

Những quầy hàng trống trơn

Hộ kinh doanh bức xúc, chính quyền im lặng

Việc các quầy phải nộp lệ phí hằng tháng là tất yếu để có nguồn tài chính phục vụ các hoạt động quản lý chợ. Điều các hộ bức xúc là ở chỗ, BQL chợ thu lệ phí của các quầy nhưng không có hóa đơn, suốt 13 năm bà con thắc mắc nhưng không được ai trả lời rõ ràng.

Thu lệ phí đã không có hóa đơn, mức thu lại cao và tiêu chí cũng do BQL tự “áp” cho mỗi hộ, theo cảm tính. Điều này thể hiện ở chỗ: Từ 2 tháng nay, khi có hóa đơn, mức thu của các quầy giảm xuống.

Thí dụ, hộ bà P.T.S trước đây mỗi tháng phải nộp 532.000 đồng lệ phí thì từ tháng 4 có biên lai thu lệ phí chỉ còn phải nộp 372.000 đồng, giảm 168.000 đồng. Khoản chênh lệch này, nếu tính trong 13 năm qua, cả chợ Bỉm Sơn phải nộp là rất lớn.

Mỗi hộ tiểu thương hằng tháng còn phải đóng 2.000 đồng cho BQL chợ để chi vào các việc hiếu hỉ. Nhưng hằng năm, số tiền này không được công khai xem đã chi bao nhiêu, vào những việc cụ thể nào, còn lại bao nhiêu. Việc này cũng đã kéo dài 13 năm. Như vậy, sở dĩ các hộ tiểu thương chợ Bỉm Sơn bức xúc là do BQL chợ - trong đó đặc biệt ông Trưởng ban - đặt ra các khoản thu sai nguyên tắc, thu không có hóa đơn chứng từ.

BQL chợ Bỉm Sơn hiện có 22 lao động hợp đồng và một số lao động đóng bảo hiểm. Lương của người lao động trước đây từ 500.000 đến 700.000 đồng/tháng; từ tháng 3/2007 đến nay tăng lên 1 triệu đồng/người/tháng. Số tiền hằng năm các quầy của chợ nộp cho BQL hàng tỷ đồng, ngoài việc chi lương cho người lao động, không ai biết số tiền còn lại được dùng vào việc gì, có nộp cho UBND thị xã Bỉm Sơn - cơ quan trực tiếp quản lý chợ Bỉm Sơn hay không?

Từ đầu tháng 3/2007, nhiều hộ tiểu thương đã gửi đơn đến UBND thị xã Bỉm Sơn, đề nghị làm rõ những khuất tất, sai phạm của BQL chợ Bỉm Sơn, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Trong đơn thư gửi báo Tiền phong, đại diện 500 hộ tiểu thương tại chợ Bỉm Sơn đề nghị những khuất tất trong việc thu, chi của BQL chợ Bỉm Sơn cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý.