Thủ phủ heo Đồng Nai: Nơm nớp lo dịch tràn về

TP - Khi hỏi về dịch tả heo châu Phi, từ lãnh đạo đến các hộ chăn nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai đều lo sợ, bởi họ không thể hình dung ra ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ ra sao, nếu “lỡ may” dịch tả heo châu Phi đến thật.
Thủ phủ heo Đồng Nai như “ngồi trên đống lửa” trước dịch tả heo châu Phi

Ngồi trên đống lửa

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Tính (đội 4, ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) rớm nước mắt kể, bữa giờ gia đình như “ngồi trên đống lửa” vì không biết khi nào dịch tả heo “gõ cửa nhà mình”. “Để duy trì đàn heo, gia đình tui cầm cả sổ đỏ, ruộng vườn vay ngân hàng được mấy tỷ để chăn nuôi. Hai năm trước, heo rớt giá nhưng gia đình cố neo nuôi. Heo mới có giá được 3-4 tháng, chưa kịp mừng thì giờ nghe nói dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lan xuống phía Nam rất cao. Nếu mà chuyện này xảy ra thật, gia đình tôi không biết sống thế nào nữa” - ông Tính thở dài.

Trang trại nhà ông Tính đang nuôi gần 100 con heo nái, ngoài ra còn có heo thịt, heo con. Để tự cứu mình, ông áp dụng nhiều cách vệ sinh chuồng trại như tiêu độc khử trùng, kỹ lưỡng về nguồn thức ăn. “Ngoài mấy cái đó ra, tụi tui hầu như không có biện pháp gì thêm. Dù địa phương có tuyên truyền, tập huấn nhưng cũng quanh quẩn như vậy, vì chưa có vắc-xin phòng ngừa. Bây giờ chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi” - người đàn ông có gần 20 năm trong nghề tỏ vẻ bất lực.

Trang trại heo 200 con của anh Hùng ở xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất cũng nơm nớp không biết dịch đến lúc nào. Để bảo vệ đàn heo, anh Hùng đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, tiêm ngừa đầy đủ, vệ sinh chuồng trại. “Mấy bữa nay, ngày nào tôi cũng lên mạng để cập nhật tình hình về dịch tả heo châu Phi. Ngày nào cũng thấy phát hiện ổ dịch mới ở các tỉnh phía Bắc mà phát rầu, lo sợ dịch bệnh sẽ “Nam tiến” trong nay mai. Chăn nuôi heo là nghề mang lại thu nhập chính cho cả gia đình, nếu không may dính dịch thì chỉ có nước bán nhà trả nợ ngân hàng cũng không đủ” - anh Hùng buồn rầu nói.

Hộ chăn nuôi của bà Hương xã Bàu Hàm, H.Thống Nhất cũng đang trong tình trạng báo động trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, dù bà đã tăng cường phun thuốc, vệ sinh chuồng trại, đưa ra chế độ ăn uống hợp lý, thêm các khoáng chất để tăng đề kháng cho heo.

Không chỉ có tổng đàn heo quy mô lớn, Đồng Nai còn là địa bàn nhạy cảm về vấn đề dịch bệnh. Tỉnh này có quốc lộ 20 và quốc lộ 1 đi qua, trong đó huyện Thống Nhất là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh tấn công. Ngành thú y địa phương đã cắt cử cán bộ đến các hộ chăn nuôi theo dõi tình hình, hướng dẫn công tác phòng chống dịch.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Vũ Văn Toàn, chủ tịch UBND xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lo lắng: “Chúng tôi lo dịch đến từng ngày, bởi xã Gia Kiệm là nơi có số lượng hộ chăn nuôi heo hơn 300 hộ với 76.000 con (nhiều nhất tỉnh). Bà con đã rất khó khăn rồi, nay nếu có heo nhiễm dịch thì không biết sống như thế nào. Dù chúng tôi có truyên truyền, người dân chủ động phòng ngừa nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế”.

Kiểm soát nơi cửa ngõ

Tối 6/3, chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, liên tiếp các đoàn xe chở heo từ nhiều tỉnh thành đi qua đây đóng dấu trước khi đưa vào TPHCM. “Khó khăn là nhiều tuyến đường vào thành phố mà không có trạm kiểm dịch. Đặc biệt, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay một số xe khách, xe tải lựa chọn tuyến đường này để tránh trạm. Vì vậy, thành phố đã lập một số đoàn liên ngành chốt chặn ở các tuyến cửa ngõ vào thành phố để xử lý” - ông Phạm Văn Chí, Trưởng Trạm cho biết.

Cũng theo ông Chí, trong thời gian qua, trạm kiểm dịch vẫn chưa phát hiện xe nào chuyển lợn từ phía Bắc vào. Nguồn heo nhập vào TPHCM hiện nay chủ yếu là từ Đồng Nai chiếm hơn 90%. Hiện, mỗi ngày có khoảng hơn 3.000 con heo nhập vào TPHCM, dù mấy hôm nay số lượng có giảm nhưng không đáng kể. Lo ngại dịch tả heo châu Phi vào Nam, lực lượng thú y tăng cường phối hợp với CSGT, quản lý thị trường để tuần tra xử lý các đối tượng vận chuyển heo vào thành phố né trạm. “Ở đây chúng tôi chủ yếu kiểm tra lâm sàng, còn muốn xác định chính xác thì phải phân lập ở phòng thí nghiệm mới kết luận được. Những triệu chứng nghi ngờ về dịch tả phải lấy mẫu xét nghiệm” - ông Chí nói thêm.

Hiện Ban An toàn thực phẩm TPHCM chưa phát hiện heo dịch tả châu Phi, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện bệnh khác như lở mồm long móng trong nguồn heo từ tỉnh khác đưa về TPHCM - bà Phạm Khánh Phong Lan lưu ý.

Kiểm soát xe heo trước khi vào TPHCM tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức 
(ảnh chụp tối ngày 6/3)