> 12 ngân hàng bắt đầu thu phí ATM nội mạng
> Ngân hàng “chặt đẹp” người dùng thẻ
Không có chuyện chồng phí?
Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, đến nay đã có 50 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia thị trường với lượng thẻ phát hành gần 54 triệu chiếc và 14.200 máy ATM.
Hoạt động thẻ ghi nợ của Việt Nam khác với các nước do các nước hạ tầng thanh toán phát triển, việc rút tiền mặt rất hãn hữu.
Ở Việt Nam, thẻ ghi nợ nội địa 75%-80% là để phục vụ rút tiền mặt. Điều này gây mất thời gian, nhiều tốn kém với các ngân hàng.
“Nên công bằng với thẻ không phải phí chồng phí đâu. Thu phí rút tiền nội mạng là phí tài khoản chứ không phải phí thẻ. Có nhiều thứ phí phân biệt rạch ròi phí chứ không phải một cái thẻ cõng 15-17 loại phí”.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam
Theo đại diện Vụ Thanh toán, hiện đã có 34 ngân hàng xây dựng biểu phí và báo cáo về NHNN. Có 2 đơn vị quy định dưới mức cho phép của ngân hàng nhà nước, từ 200 – 500 đồng/giao dịch nội mạng. 10 ngân hàng quy định bằng mức NHNN cho phép là 1.000 đồng/giao dịch. Còn các NH khác vẫn miễn phí. Tùy thuộc năng lực, chiến lược, mức thu phí sẽ khác nhau ở mỗi ngân hàng.
Xung quanh những thắc mắc có phải ngân hàng và cơ quan quản lý “đánh úp” người dùng thẻ khi đột nhiên đòi thu phí, ông Tiên cho rằng, việc thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa tới đây phù hợp với pháp lệnh phí và lệ phí cũng như Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, 10 năm nay các ngân hàng bỏ ra lượng tiền đầu tư rất lớn để phục vụ miễn phí, nay thu để đảm bảo lợi ích chung, để đảm bảo lợi ích tốt hơn.
“Một ngân hàng đưa ra dịch vụ mong đợi dịch vụ đó đi vào cuộc sống không ai muốn đưa ra sản phẩm không được thực tế chấp nhận. Đi buôn phải mong có lãi”- ông nói.
Dù khẳng định đã có thống kê số tiền thu được từ việc áp dụng thu phí nội mạng nhưng đại diện NHNN không công bố cụ thể mà chỉ nói rằng nếu tách bạch thu từ rút tiền thì rất ít, không đáng kể.
Ông dẫn chứng việc một giám đốc NHTM cho biết đầu tư thu phí ATM một tháng trung bình bị lỗ tới 22 triệu đồng/tháng. Thế nên giờ ngân hàng bị giao chỉ tiêu phát triển thẻ ATM là lo.
“Còn tính toán kinh doanh thẻ lỗ lãi thì có nhiều bài báo đã nói việc này. Nhiều bài báo nói lãi khủng, lén thu phí là chưa chính xác lắm, chúng tôi đã tính toán rất kỹ chứ không phải không tính”- ông nói.
Phí rút tiền như phí đường bộ
Về tính cần thiết thu phí, ông Tiên cho rằng, việc thu phí rút tiền nội mạng thẻ ATM giống như Bộ GTVT thu phí đường bộ để chất lượng đường giao thông được cải thiện.
Việc thu “có mấy đồng” này để chúng ta có động lực tăng chất lượng phục vụ. Chúng ta xuất thân từ nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí giời quen rồi nên giờ khi mất phí sử dụng dịch vụ chúng ta cũng phải học quy trình thao tác thế nào cho tốt để khỏi trục trặc trong rút tiền ATM.
Việc thu phí cũng buộc người dùng phải cân nhắc trong vấn đề rút tiền, rút tiền lúc nào cho phù hợp.
Cũng theo đại diện Vụ Thanh toán, tất cả chúng ta đều rành chữ quốc ngữ nên trong các hợp đồng phát hành thẻ của các NHTM với các chủ thẻ đều ghi các tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm với các chủ thẻ, trách nhiệm ngân hàng thế nào.
Về việc sẽ có hiện tượng người dùng thẻ tới quầy giao dịch để rút tiền mặt thay vì dùng thẻ, ông Tiên cho rằng rút tiền ở NHTM hiện cũng bị thu mức 0,05%/ lần rút, trong khi dùng thẻ đứng ở đâu cũng rút được.
Sau 1-3 hy vọng chất lượng dịch vụ thẻ ATM được tăng lên. Tuy nhiên, cũng giống như thu phí bảo trì đường bộ không thể đảm bảo 100% thu phí không còn trục trặc ATM. Nó do lỗi cả khách quan và chủ quan. NHNN đã có chỉ đạo Hiệp hội thẻ ngân hàng làm tốt việc này.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho rằng, thời gian qua những người kinh doanh thẻ cảm thấy rất tự ái khi nhiều người hỏi thu phí ATM thì chất lượng có tốt lên không. Không thu thì chất lượng dịch vụ thẻ của ngân hàng vẫn đảm bảo như thế. Nếu chất lượng kém đi chút thì khách sẽ sang ngân hàng khác ngay.
Theo ông Tuân, 15 năm trước đưa ra sản phẩm này thì không ai muốn miễn phí cả. Đây là điều rất tâm tư. Khi các ngân hàng muốn thu thì NHNN bảo muốn có sự ổn định. Chưa có loại dịch vụ nào như ATM chịu sự hạn chế trong suốt 10 năm qua.
Hiện các ngân hàng đã có báo cáo về số tiền dự tính sẽ thu được. Nhưng hiện nay, tính trung bình một giao dịch tổng chi phí của tất cả các ngân hàng tham gia hiệp hội cộng lại ở mức khoảng 7.000 đồng- 9.000 đồng/lần rút tiền. Nếu với mức dự thu của Vietcombank là 1.000 đồng thì vẫn bị lỗ chi phí 6.000 đồng/lần rút tiền.
“Nên công bằng với thẻ không phải phí chồng phí đâu. Thu phí rút tiền nội mạng là phí tài khoản chứ không phải phí thẻ. Có nhiều thứ phí phân biệt rạch ròi phí chứ không phải một cái thẻ cõng 15-17 loại phí”- ông Tuân nói.