Trước sự lo lắng về thực trạng thông tin cá nhân của hàng vạn người bị rao bán tràn lan và những khó khăn trong việc xử lý các đối tượng này, trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 38 BLDS 2015 Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác…
Như vậy, có thể nhận thấy “hành vi mua bán thông tin cá nhân” là giao dịch vi phạm pháp luật, xâm phạm đến đời sống riêng tư được pháp luật bảo vệ.
Với những người có hành vi vi phạm này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt tù cao nhất là 07 năm.
Hoặc hành vi mua bán thông tin này cũng có thể bị xử lý hành chính theo điểm a Khoản 5 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông”
Bên cạnh đó là câu chuyện khiến dư luận nóng lên trong thời gian qua đó là vấn đề nhiều người không biết thông tin cá nhân của mình bị lộ từ đâu, nhiều ý kiến cho rằng bắt nguồn từ nhà mạng vì khi đi hoà mạng sẽ phải trình CMND, đăng ký thêm ảnh chân dung. Rất nhiều người dân đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của nhà mạng trong việc này là như thế nào?
Trước những thắc mắc này, theo luật sư Phạm Thị Thu, trách nhiệm của nhà mạng trong việc bảo mật thông tin khách hàng được quy định rất rõ tại Điều 6 Khoản 4 Luật Viễn thông 2009: “Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.”
Việc thông tin khách hàng bị đánh cắp có thể do hành vi tiết lộ của nhà mạng hoặc bị một số đối tượng đánh cắp, sử dụng trái phép nhưng nhà mạng vẫn có lỗi trong việc quản lý vì nhà mạng phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy.
Nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, tại Khoản 3 Điều 66, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số; Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;
Điểm a Khoản 4 Điều 66: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:Tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
Điểm b Khoản 7 Điều 66: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này.
Đặc biệt, với những người dùng có thông tin cá nhân bị tiết lộ có thể khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.
Ngoài ra, luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội phân tích, trong trường hợp thông tin cá nhân của nhiều người bị lộ và rao bán dẫn đến nhiều người phát hiện bị sử dụng thông tin cá nhân để đăng ký cho nhiều số điện thoại lạ. Trong khi không hề sử dụng các số thuê bao này, khách hàng trong trường hợp này cũng có quyền khởi kiện nhà mạng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.”.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng có quyền “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Đồng thời, Khoản 2, Điều 41 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 cũng quy định Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện: “Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ”.
Như vậy người sử dụng dịch vụ hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà mạng về việc để lộ thông tin cá nhân hoặc người tiêu dùng có thể ủy quyền cho tổ chức xã hội khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 28 luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.