> Ngân hàng miễn chia cổ tức
> Tới 2015 phải xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh
Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Hơn một năm qua, trong công việc mình chưa bao giờ nản lòng nhưng buồn thì có nhất là những khi đồng đội không hiểu, dư luận thì nghi hoặc. Có lần trong cuộc họp, một thành viên đã ví mỗi một ủy viên Trung ương là một ngôi sao, mình lên phát biểu liền bảo tôi không nghĩ mình là “sao” nhưng nếu có thì chắc “tôi là ngôi sao cô đơn”. Ghế nóng bao nhiêu độ?
Năm cũ sắp qua đi. 2012 cũng là năm lĩnh vực ngân hàng nhận được cả lời khen lẫn tiếng chê. Còn Thống đốc cảm nhận thế nào?
Nhìn lại đây là một năm vô cùng vất vả cho đất nước chúng ta, cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Cái mình vui nhất đối với bất kỳ người làm chính sách nào, đó là cái gì đặt ra muốn làm cho nền kinh tế thì đã làm được như kiềm chế được lạm phát, cải thiện được thanh khoản, hạ lãi suất, quản lý thị trường vàng, giữ ổn định tỷ giá, bước đầu bắt tay xử lý nợ xấu, tái cơ cấu sáp nhập.
Mình biết khi một chính sách kinh tế đưa ra, sẽ có nhiều ý kiến. Người thì bảo nói vậy thì biết vậy, có đến được cuộc sống hay không thì không biết, tức là người tin như mình cỡ chỉ 1/3. Số 2/3 còn lại, một là họ nghi ngờ, hai là phản bác.
Bất chấp những chuyện đó, bọn mình đã vượt qua. Không phải tự hào nhưng có lẽ khối lượng công việc bọn mình làm năm qua phải gấp nhiều lần so với trước đây.
Nhưng có nhiều phần việc trong quá trình xử lý Ngân hàng Nhà nước không hẳn nhận được sự đồng thuận cao, những lúc đó, Thống đốc nghĩ sao?
Năm 2012, Chính phủ đã nhất quán trong chính sách và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Đấy là “cốt lõi” để có được như ngày hôm nay. Khó khăn thì vô vàn nhất là khi đồng thuận của cả hệ thống không phải là cao, chưa kể đến đồng thuận trong xã hội.
Nếu người ta phản biện dưới góc độ xây dựng thì tốt nhưng dưới góc độ không xây dựng thì tạo ra sự chống đối của một bộ phận còn gọi là- lợi ích nhóm.
Năm vừa rồi khó khăn nổi lên nhất chính là lợi ích nhóm. Mình làm cái gì là thấy ngay có lợi ích nhóm đứng ra phản đối. Ví dụ chuyện quản lý vàng. Hay việc mình làm tái cấu trúc “người thích, kẻ không” động vào y như “rút dây động rừng”.
Chưa kể những lúc có nhiều luồng thông tin này nọ về mình có kẻ còn nói: “Có khi ông chết trước tôi”. Nhưng con đường tôi đi vẫn phải đi, đích tôi đến vẫn phải đến. Quan điểm của mình - Nếu lợi ích nhóm mà đại diện cho quốc gia, dân tộc thì chấp nhận được.
So với những lĩnh vực khác, vị trí Thống đốc luôn được xem là “ghế nóng”. Bản thân những người tiền nhiệm đều có chung suy nghĩ đó. Còn cá nhân, Thống đốc cảm nhận độ nóng thế nào và nghĩ gì về vị trí đang đảm nhiệm?
Vị trí đầu ngành ngân hàng bao giờ cũng “nóng” so với các bộ ngành. Nhưng vào lúc nền kinh tế khó khăn thì nó đặc biệt nóng, nhất là ở Việt Nam khi mình phải “gánh” cả hai vai vừa là “kho” giữ tiền cho nền kinh tế đảm bảo “cung tiền” làm sao không bị lạm phát trong khi là thành viên Chính phủ phải đảm nhiệm sao cho phát triển nhà máy, ruộng vườn.
Bạn hỏi về “ghế” mình đang ngồi như thế nào ý là sao? Thôi mình cứ đặt ra cho bạn lựa chọn nhé. Ý bạn muốn nói “ghế” này nó “nóng” như thế đấy, phức tạp như thế đấy, anh có thấy là anh đủ sức để ngồi “ghế” đó không. Đó là một ý. Hay là “ghế” nó “nóng” như thế đấy, anh có còn muốn ngồi lại ở “ghế” này nữa không? Thế thì mình phải nói thật. Đây là nghề của mình, mình biết là “nó” nóng nhưng cũng biết cách làm cho “nó” nguội. Hôm nay nóng là vì bối cảnh kinh tế nóng, thế nhưng mình đang làm mọi việc để cho sức nóng nguội dần, có thế thôi.
Xử lý ngân hàng - Không đơn giản
“Nhiệm vụ số 1 của tôi khi ở vị trí này là bảo vệ giá trị tiền đồng, hạn chế vàng hóa, đô la hóa”. Hơn một năm qua, Thống đốc đã làm gì để thực thi câu nói này?
Năm vừa rồi bọn mình làm nhiều việc với nhiều áp lực, thời gian dành cho giải thích không có mấy. Vậy làm thế nào để người ta hiểu? Cách tốt nhất là kết quả mang lại. Thế này nhé, ví như bơm ra bao nhiêu tiền đồng để đảm bảo thanh khoản, giảm lãi suất, góp phần tăng trưởng bọn mình lại phải có biện pháp hút về thích hợp để kiềm chế lạm phát. Thực tế Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua được 15 tỷ USD tính thêm vào dự trữ ngoại hối, từng đó đã nói lên sự dịch chuyển bao nhiêu của ngoại tệ sang VNĐ. Còn nữa, hệ thống ngân hàng đã mua được hơn 60 tấn vàng, cái đó cũng dịch chuyển sang VNĐ cả. Nhờ có tiền, mới có tăng trưởng tín dụng, cái đó có thể hiểu chính là bảo vệ giá trị VNĐ và hạn chế vàng hóa, đô la hóa.
Có nhận định nhiều ngân hàng rất yếu, tỷ lệ nợ xấu cao và thay vì cho tái cơ cấu sáp nhập nên cho phá sản luôn. Có phải vì e “ném chuột sợ vỡ bình” mà Ngân hàng Nhà nước không chọn con đường này?
Xử lý một doanh nghiệp thì đơn giản nhưng xử lý một ngân hàng thì rất phức tạp vì ngân hàng có cả trăm ngàn người vay tiền, cả triệu nguời gửi tiền và nó sẽ liên lụy đến cả xã hội. Giai đoạn trước, cho một vài ngân hàng “biến mất” rất đơn giản vì ngày đó quy mô ngân hàng rất bé nhỏ, xử lý dễ.
Còn bây giờ quy mô lớn, hệ thống phức tạp, thế thì phải xử lý sao không để xảy ra hệ lụy. Như với ngân hàng cổ phần Sài Gòn (sáp nhập 3 ngân hàng lại - PV), có tới cả 100 ngàn tỷ huy động, sẽ lấy đâu ra bù đắp nếu không cứu nó từng phần.
Ngân hàng khác doanh nghiệp, không thể nói chết là chết ngay được. Từ nay đến 2015, mình tin chắc không chỉ “thằng” cổ phần Sài Gòn mà nhiều ngân hàng trong diện tái cơ cấu, mỗi ngày sẽ tốt lên một ít.
Nếu có hai điều ước, một cho cái chung và một cho niềm riêng, vào thời khắc này, Thống đốc sẽ ước gì?
Năm vừa rồi mình và các anh chị em Ngân hàng Nhà nước làm việc quần quật. Cả tuần, chỉ mong được dành trọn vẹn ngày chủ nhật cho gia đình, lúc đó mình rất thích chơi với con. Bản thân, mình chẳng ước cái gì riêng cả. Còn chung, chỉ ngắn gọn thế này, cái gì đạt kết quả tốt cho cái chung là thấy vui và hài lòng rồi.
Cảm ơn Thống đốc.
"Trong năm mới, mình sẽ tiếp tục câu chuyện xử lý nợ xấu. Cuối năm 2011, mình đã đặt vấn đề này ra nhưng rất tiếc lúc đó nhiều người không hiểu mới để mọi việc kéo dài. Rất mừng là đến lúc này tất cả đều đồng thuận. Phải hiểu nợ xấu là của cả nền kinh tế và trách nhiệm chung và đã đến lúc các bộ ngành, doanh nghiệp, xã hội phải cùng xắn tay vào mới làm được" - Ông Nguyễn Văn Bình.
Khánh Huyền
thực hiện