Lan tỏa tinh thần thanh niên tình nguyện, xông pha
Thời đoạn lịch sử mà ông đã trải qua trên cương vị Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa VI, khóa VII có gì đặc biệt?
Những năm 90 cho đến nay là một giai đoạn mà tôi đã từng trải nghiệm, cho phép mình nhìn ngắm lại công tác thanh niên. Đặc điểm thời đoạn lịch sử đó là cuộc cách mạng công nghệ thông tin thế giới, chi phối tác động đến mọi quốc gia. Vì thế chúng tôi đặt vấn đề làm sao cho thanh niên Việt Nam chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghệ thông tin và làm chủ nó.
Để đưa thanh niên vào thời đoạn có ý nghĩa đó, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị. Thứ nhất, anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT)- người rất khao khát công nghệ ITI đã xung phong nhận nhiệm vụ chủ trì đề án thanh niên đề xuất với Chính phủ về chiến lược phát triển công nghệ thông tin.
Thứ hai, thành lập Hội doanh nghiệp trẻ (nay là Hội doanh nhân trẻ) nhằm đón đầu những cơ hội phát triển khi đất nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa (tới bây giờ nhiều đồng chí có cơ nghiệp lớn). Thứ ba, bản thân tôi chủ trì đề tài quản lý nhà nước về thanh niên, gồm 3 sản phẩm: Sự ra đời của Luật thanh niên; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Chiến lược phát triển thanh niên.
Bộ ba chân kiềng đó nhằm tạo nền tảng của xã hội hướng về thanh niên, từ đó, lần lượt ra đời các cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh niên rất bài bản. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam hoạt động theo cơ chế phối hợp liên ngành. Các đồng chí biết đấy ngành nào cũng cần bồi dưỡng, phát huy thanh niên.
Và các cấp, các ngành đều cần phải tìm đến Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp theo nguyên tắc Nhà nước quản lý, Chính phủ chủ trì công tác thanh niên. Với nhiệm vụ vừa quan trọng vừa mới mẽ đó, vai trò Chủ nhiệm UBQG về thanh niên Việt Nam là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Không hiểu vì lý do gì mà nay cơ quan thường trực của UBQG về thanh niên Việt Nam lại giao cho Bộ Nội vụ. Tôi cho đó là sự sai lầm. Ủy ban là cơ quan phối hợp liên ngành và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn muốn làm tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn của mình thì phải sử dụng cơ chế liên ngành chứ không để tuột ra khỏi tay như thế được.
Với sự chuẩn bị, công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi đã có bước chuyển mình ra sao?
Chuẩn bị bước vào năm 2000, chúng tôi đã có một khoảng thời gian vật chất chuẩn bị trong 2-3 năm, có việc phải tích lũy nhiều năm trước, ví dụ xây dựng Làng thanh niên chẳng hạn. Vì thế khi bước vào năm 2000, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gây được chấn động bằng việc phát động phong trào thanh niên tình nguyện một cách “toàn dân, toàn diện” trong cả nước. Hướng chính của chiến lược là tập trung vào những bài học chính trị cơ bản cho ĐVTN; mở diễn đàn “Tuổi trẻ học tập vì ngày mai lập nghiệp” trong các trường Đại học, Cao đẳng; tổ chức các nhóm ca khúc cách mạng nhằm tạo ra khí thế chung.
Bên cạnh đó là các chương trình, dự án trọng điểm, mở rộng hoạt động tình nguyện tạo dấu ấn mạnh mẽ như: Xây dựng đảo thanh niên, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cồn Cỏ; chương trình thanh niên thực hiện xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới, trọng điểm là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp ở các vùng miền, dọc theo biên giới, dọc đường Hồ Chí Minh; đưa trí thức trẻ về phục vụ, rèn luyện ở nông thôn, miền núi; cuộc vận động vì nghĩa tình biên giới hải đảo; mở ra các chương trình giao lưu thanh niên quốc tế, trong đó chú trọng các nước láng giềng với chiều sâu và quy mô hơn…
Trong số các công trình, dự án phục vụ chiến lược đó, có một hoạt động trực quan mang tính đột phá, đó là cho ra đời chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện mang hình cờ Tổ quốc bên phía trái tim. Đây là sự chuẩn bị cho thanh niên xuất hiện đội hình lớn trước xã hội, tạo hình ảnh lớp hanh niên đoàn kết, đồng lòng nhất trí muôn người như một, mang lý tưởng hiến dâng cho Tổ quốc.
Tôi đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các cấp các ngành, các đị phương cùng mặc chiếc áo xanh tình nguyện này đồng hành với thanh niên trong các hoạt động thanh niên. Bây giờ có ai đó muốn quay trở lại đa dạng, mặc chiếc áo nọ áo kia, tôi coi đó là sự chia rẽ thanh niên, việc đáng trách vì không hàm chứa tư duy chiến lược trong việc quy tụ và phát triển lực lượng thanh niên.
Nhớ lại năm 2000 thanh niên thống nhất mặc một chiếc áo đồng phục thanh niên tình nguyện, những chiếc áo thanh niên khác của các tỉnh thành Đoàn, Hội, Đội đều tự nguyện xếp cất. Từ đó thấy được quyết tâm của tập thể lãnh đạo trong việc đoàn kết, phát huy lực lượng thanh niên.
Cán bộ Đoàn phải gương mẫu dấn thân
Thời đoạn lịch sử mà ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 sẽ trải qua có gì đặc biệt thưa ông?
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, diễn ra trong thời điểm thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ( còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0), với đặc điểm nổi bật là môi trường internet và tự động hóa; lấy nền kinh tế tri thức làm nền tảng cho sự phát triển. Vì thế tôi không có ý định nghĩ riêng cho nhiệm kỳ 5 năm mà cho cả một thời kỳ mới.
Với cuộc cách mạng công nghiệp “ bốn chấm không”, Đoàn thanh niên cần có sự nhập cuộc như thế nào, làm gì trong thế giới mạng và đâu là sản phẩm của thanh niên, bởi bản chất họ luôn là lực lượng sáng tạo mà !…Tôi cho rằng phải có cuộc diễn tập đánh trận với các hacker nhằm tạo sân chơi, thỏa sức sáng tạo cho thanh niên. Vấn đề việc làm là hết sức quan trọng. Tình trạng thất nghiệp của người trẻ đáng báo động.
Hiện có 178.000 kỹ sư, thạc sĩ không có việc làm; hàng năm, chúng ta bổ sung vào thị trường 1,5 triệu lao động, chủ yếu là thanh niên nhưng trong số đó không có nhiều cơ hội, vị trí việc làm được nhìn thấy trước. Đoàn thanh niên phải đề xuất vào một chiến lược mới về giáo dục, tìm kiếm, bồi dưỡng, giới thiệu việc làm như thế nào.
Chúng ta cần thay đổi tư duy đào tạo nghề cho thanh niên. Không hẳn cứ phải đến trường nghề kiểu truyền thống, Đoàn cần gõ cửa, bắt tay với các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn cần có hệ thống thông tin, danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề để thanh niên truy cập khi có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm.
Vấn đề vui chơi, giải trí của thanh niên cũng vậy. Đoàn thanh niên cần bắt tay với một số cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, phải chủ động tạo ra sân chơi. Tranh thủ kết nối với giới văn nghệ sĩ, các đài truyền hình để có nhiều tiết mục truyền hình thực tế, mở ra các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích cho người trẻ thành phố và lẩn nông thôn.
Trong một thời đoạn lịch sử mới như vậy, cán bộ Đoàn phải có sự đổi mới như thế nào?
Mô hình tổ chức Đoàn thanh niên cần thiết phải xem xét lại, hiện có nhiều biểu hiện hành chính hóa, thiếu sức quy tụ, thậm chí “hụt hơi” ở cấp huyện. Cho nên tôi đề nghị bộ phận cơ quan chuyên trách thường trực của đoàn ở cấp huyện hãy có cách thức gia nhập vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để lấy thêm nguồn lực, kinh nghiệm, tài chính và cả uy tín để cải thiện hình ảnh của đoàn cấp huyện.
Tôi nghĩ nên khoác một chiếc áo mới, đó là tự mình trở thành bộ phận không tách rời trong một khối điều hành chung để phối hợp được nguồn lực, sức mạnh. Còn hệ thống tổ chức đoàn thanh niên cấp huyện không thay đổi, vẫn giữ như điều lệ Đoàn quy định, điều quan trọng là nên sử dụng nhiều cán bộ kiêm nhiệm, giảm cán bộ chuyên trách. Mô hình này đang được thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh chúng ta cần trao đổi thêm.
Cán bộ đoàn là trái tim của phong trào thanh niên. Mỗi cán bộ đoàn đều phải biết dấn thân. Tôi thấy một số cán bộ Đoàn hiện nay không được lựa chọn từ phong trào thanh niên mà cứ như ai đó chỉ ra từ mệnh lệnh, cắt cử sang lắp ghép cho đủ biên chế. Mấy khóa rồi, chúng ta đã nhìn thấy một số các “cụ non” làm cán bộ đoàn, như thế Đoàn không đủ hơi lấy sức đâu mà “ thổi”phong trào đi lên.
Theo tôi, Đoàn bớt đi các loại việc hành chính, giấy tờ, “sự kiện” kiểu hình thức. Cần tìm ra trọng tâm trọng điểm, mắc xích quan trọng để đột phá mang tính chiến lược; cán bộ đoàn phải gương mẫu dấn thân, tuyển lựa cán bộ giàu kinh nghiệm, có kỹ năng và tràn đầy nhiệt huyết. Đây là nhân tố quan trọng cho đổi mới.