Thời của người Nam Mỹ ở Premier League

Năm 2013, các đội bóng Premier League bổ nhiệm 3 HLV người Nam Mỹ, lần lượt là Mauricio Pochettino, Manuel Pellegrini và Gus Poyet.
HLV Pellegrini mới tiếp quản Man City cách đây vài tháng

Trước năm ngoái, lịch sử giải đấu này mới chỉ ghi nhận 2 chiến thuật gia đến từ Nam Mỹ, là Osvaldo Ardiles dẫn dắt Tottenham trong các năm 1993-1994, và Luiz Felipe Scolari, người kế nhiệm Avram Grant tại Chelsea năm 2008.

Nhưng 2 số phận Nam Mỹ ấy đã kết thúc theo một cách khó có thể tệ hơn với những HLV tại Premier League.

Osvaldo Ardiles, nhà vô địch World Cup 1978 không thể tái hiện thành công mà ông đã có thời còn đá bóng: ông bị đuổi sau 16 tháng, khi Tottenham đang đứng ở nửa cuối BXH, đối mặt với một án phạt cấm thi đấu 1 năm từ FA và mức phạt tiền 600.000 bảng vì sai phạm tài chính.

Scolari thì hẳn nhiều người vẫn còn nhớ: ông cũng bị ông chủ Abramovich chóng vánh tiễn ra đường sau 7 tháng cầm quân, sau khi phong độ của đội này bất ngờ đình đốn dù đã khởi đầu mùa giải rất ấn tượng.

Điểm chung của Ardiles và Scolari là một tính chất rất Nam Mỹ: họ đều đem đến cho CLB của mình một lối chơi tấn công quyến rũ, tạo ra được những trận thắng đẹp mắt nhưng không có được sự ổn định lâu dài.

Big Phil bị ông chủ Abramovich chóng vánh tiễn ra đường sau 7 tháng cầm quân

Nhưng 3 người Nam Mỹ của năm 2013 dường như đã thay đổi cái “ấn tượng Nam Mỹ” tại Premier League. Pochettino đang được nhiều CLB lớn để mắt, Pellegrini là ứng viên số 1 cho chức vô địch, còn Poyet, cho dù Sunderland quá yếu và vẫn đang đứng cuối BXH, nhưng không thể phủ nhận khả năng của cựu danh thủ người Uruguay: ông đã thắng Man City , Man United, Chelsea, Newcastle, Everton... Đó không thể là một HLV kém.

Có một điều quan trọng là các HLV Nam Mỹ của ngày hôm nay vẫn mang đến nước Anh hơi thở của quê hương họ. Gus Poyet và Pochettino, vì hoàn cảnh nhân sự, có lúc này lúc khác, nhưng vẫn sẵn sàng chỉ đạo học trò dâng lên bất cứ khi nào có thể. Còn Pellegrini, mang một thứ tinh thần Nam Mỹ hoàn hảo: ông lấy tấn công làm sự sống và ngay cả sau những thất bại vì ham hố, vẫn tuyên bố sẽ không thay đổi triết lý.

Nghĩa là ngày hôm nay, Premier League không bắt các HLV Nam Mỹ phải thay đổi để phù hợp với phong cách bóng đá châu Âu. Chính Premier League đã thay đổi – một quá trình thay đổi dài mà tất cả đều có thể cảm nhận.

Poyet không thể là một HLV kém

Ngày hôm nay, chỉ cần so với 5 năm về trước khi Scolari bị sa thải, chứ chưa cần so với những kỷ nguyên trước khi mà người Anh vẫn đá bóng kiểu Anh (thứ bóng đá bây giờ may ra chỉ còn Stoke City là “cán bộ lưu trữ”), Premier League cũng đã tiến những bước dài về phong cách. Thoáng đãng hơn, và vì thế cũng giàu kịch tính hơn.

Trong thời đại của những người Nam Mỹ, ngoài Luis Suarez và Aguero, hai ngôi sao được tán tụng nhiều nhất, còn có Poyet, Pochettino và Pellegrini .

Trước đó, thì Premier League chưa bao giờ là đất của các cầu thủ Nam Mỹ. Họ có một nguyên tắc bất thành văn là không mua cầu thủ trực tiếp từ lục địa này mà chỉ mua những người Nam Mỹ đã tôi rèn trong môi trường châu Âu, vì sợ sự ngẫu hứng ấy sẽ không thể hòa nhập với lối đá kick-and-rush, sút và chạy vốn đòi hỏi những chàng trai cơ bắp.

Nhưng bây giờ, người ta đã sẵn sàng trả hàng chục triệu bảng để mua cầu thủ trực tiếp từ Nam Mỹ, như Paulinho, được Spurs mua trực tiếp từ Corinthians với giá 17 triệu bảng.

Đó là những tín hiệu về một thời đại mới của Premier League. Và nếu lần đầu tiên trong lịch sử, một người Nam Mỹ đăng quang tại nước Anh, vào tháng Năm năm nay, thì đó sẽ là minh chứng.

Theo Theo Bongdaplus