Thoát nghèo nhờ nuôi ong

TP - Xóm Trại (xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) quê chàng trai Nguyễn Văn Minh nằm cạnh những cánh rừng tự nhiên hoang sơ thuộc vùng đệm của khu Bảo tồn Thiên nhiên Vũ Quang.
Vợ chồng anh Minh đang kiểm tra ong định kỳ

Cảnh đẹp nhưng đời sống gia đình Minh cũng như bà con ở đây còn nghèo và khó khăn. Điều này khiến anh trăn trở...

Minh sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ của anh đầy ắp nỗi buồn và vất vả. Cha mất khi lên 9 tuổi, mẹ đi làm công nhân ở nông trường Lệ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), Minh ở với ông bà ngoại từ đó. Minh mong muốn được học tập, nhưng nhà ông bà ngoại nghèo nên anh phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Sống gần rừng, Minh thấy có những đàn ong di cư về ở trong các hốc đất, hốc đá và anh đã bắt được 3 đàn mang về nuôi trong đõ tròn. Bước đầu Minh gặp thất bại do không có kỹ thuật, sau lấy mật, ong bỏ tổ đi mất. Anh tìm mua sách kỹ thuật và đến gặp những người có kinh nghiệm nuôi ong ở huyện Vũ Quang.

Năm 2003, anh bỏ tiền mua 3 đàn ong trong thùng vuông về nuôi. Với những cố gắng của mình, năm đó Minh đã thu được 24 kg mật. Tuy nhiên, do chưa nắm được kiến thức nuôi ong một cách hệ thống nên kết quả nuôi ong của anh trong những vụ sau giảm dần, kèm nỗi canh cánh  lo về món nợ ngân hàng.

Năm 2003, anh vay Ngân hàng NN&PTNT huyện Vũ Quang 20 triệu đồng để trồng 4 ha rừng, năm 2004 vay Ngân hàng Chính sách xã hội 25 triệu đồng mua 5 con bò, mua phân bón đầu tư làm vườn.

Năm 2007, Minh vay tiếp Ngân hàng NN&PTNT 5 triệu, tổng cộng 50 triệu đồng. Nhiều lúc Minh thừ người, nhức đầu tìm cách thoát bế tắc. Tuổi đã ngoài 30 mà đời sống kinh tế gia đình vẫn khó khăn.

Bởi vì, đến năm 2015 mới đến kỳ thu hoạch rừng và kết quả thu hoạch ra sao thì chưa biết, nuôi bò cũng bị thua lỗ do giá bán bò quá thấp trong khi hàng tháng anh phải trả lãi các ngân hàng một món tiền không nhỏ đối với nông dân ở đây.

Đang lúng túng và bi quan trước tình trạng các đàn ong bị bệnh, giảm năng suất mật thì may sao, cuối tháng 11/2007, Trung tâm Nghiên cứu ong về triển khai dự án Phát triển nghề nuôi ong cho nông dân và khuyến Nông nông thôn Việt Nam tại 2 xã Sơn Thọ (Vũ Quang) và Sơn Trường (Hương Sơn) do tổ chức SIDA tài trợ. Minh được chọn tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi ong của dự án.

Vì ham mê nuôi ong mà vào những ngày tập huấn đúng dịp mưa bão, anh đã cố gắng vượt qua con suối chảy ra từ Khe Ná khi lũ cuồn cuộn, dữ dội, để đến lớp học không trễ một phút.

Minh không chỉ tích cực trong học tập tại lớp và học tập thực tế tại vườn như chương trình tập huấn, anh còn tranh thủ thời gian sang các nhóm khác học thêm để nắm vững kỹ thuật, kỹ năng.

Tạo chúa di trùng là một trong những kỹ thuật khó, quan trọng trong nghề ong, đòi hỏi kỹ năng riêng và độ chính xác cao. Dự án chỉ hướng dẫn cho nông dân sau một năm, khi họ đã nắm vững và vận dụng tốt, thành công các kỹ thuật nuôi ong cơ bản.

Minh đã bỏ công đeo bám cán bộ kỹ thuật xin được học sớm, mong tự tạo ra được ong chúa tốt. Được cung cấp kiến thức cơ bản, hiểu sơ qua các bước tạo chúa và cách di ấu trùng, Minh đã mày mò thực nghiệm và tạo chúa thành công.

Có kỹ thuật trong tay, vợ chồng anh càng chăm sóc đàn ong chu đáo, luôn chú ý áp dụng các kỹ thuật. Có sự giúp sức của cả nhà nên đàn ong của Minh khỏe và thuần, không bỏ tổ đi mất. Nhờ tự gây tạo được ong chúa tốt và thay chúa kịp thời, đúng kỳ nên từ 2 đàn ong giống tốt của dự án, anh đã nhân ra, phát triển để có 20 đàn ong chất lượng cho sản lượng mật cao.

Mùa mật năm nay Minh thu hoạch 107 kg mật ong. Tiền bán mật và bán 5 đàn ong giống đã đem về cho gia đình Minh khoản tiền khá lớn để trang trải đời sống và trả nợ 1 năm tiền lãi ngân hàng.

Học Minh, nhiều gia đình khác trong xóm Trại và ở các thôn khác trong xã cũng nuôi ong. Đến nay xã Sơn Thọ có trên 200 đàn ong. Còn Minh, sau khi quan sát các loài hoa, mùa nở và sự đa dạng sinh thái phong phú của khu bảo tồn thiên nhiên rừng Vũ Quang sát nhà, anh dự định phát triển ong của riêng mình lên khoảng 100 đàn.