Thoái vốn Vinaconex: Thành công, Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền?

TP - Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn “thử thách”, thoái vốn nhà nước gặp khó khăn bởi vướng nhiều quy định mới. Dẫu vậy, giới đầu tư vẫn kỳ vọng từ nay đến hết năm, phiên thoái vốn Nhà nước lên tới hơn 5000 tỷ tại Vinaconex sẽ đủ hấp lực  dẫn dắt kéo thị trường đi lên. Có dự đoán, ván bài lớn này hứa hẹn sẽ chứa đựng nhiều bất ngờ, thậm chí có thể ..”ù”. 
Phiên đấu giá Vinaconex vào tháng 12/2018 này sẽ phiên bán vốn Nhà nước lớn nhất cuối cùng của năm

Gía khởi điểm 21.300 đồng/cp
Điểm danh, đến thời điểm này, trong số những danh mục thoái vốn còn lại, thương vụ thoái vốn được trông đợi nhất chính là phiên thoái vốn của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với việc thoái toàn bộ 57,71% vốn tại Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex. Phiên thoái vốn của Vinaconex dự kiến diễn ra trong quý IV/2018. 

Theo đó, ngày 24/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hai cổ đông lớn nhất trong số 53 cổ đông tổ chức của Vinaconex cùng công bố giá khởi điểm cho đợt đấu giá toàn bộ vốn tại Vinaconex (mã chứng khoán: VCG-HNX). Cả hai được thực hiện qua phương thức đấu giá công khai cả lô tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) vào ngày 22/11/2018.

Giá khởi điểm được xác định và công bố là 21.300 đồng/CP. Cụ thể, SCIC sẽ  bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex. Viettel bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần. 

Các đối tượng được tham gia đấu giá bao gồm: nhà đầu tư trong nước (cá nhân, tổ chức); nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức); Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư, trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần đăng ký mua của từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua và đảm bảo giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.

Nếu xét trong bối cảnh lúc này, có thể thấy việc bán vốn Nhà nước không được như kỳ vọng. Những phiên thoái vốn gây bất ngờ cho thị trường- bội thu hơn kỳ vọng với cả trăm ngàn tỷ đồng mang về như thương vụ thoái vốn của Sebaco hay Vinamilk chắc chắn không hề lặp lại. Vậy thì thoái vốn Vinaconex liệu có thành công? 

Nếu thành công sẽ thu về hơn 5000 tỷ đồng 
Đã từng có thời, cái tên Vinaconex lẫy lừng tên tuổi. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng. Vinaconex có 3 cổ đông lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần, Viettel sở hữu 21,28%  và quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%.

Hai năm gần đây, Vinaconex đã thực hiện chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp để tập trung vào hai lĩnh vực chính gồm: xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản - phát triển hạ tầng. Để thực hiện mục tiêu đó, Tổng công ty đã đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp; thoái vốn tại các doanh nghiệp để giảm bớt đầu mối, xây dựng 2 doanh nghiệp mạnh chuyên về xây dựng và kinh doanh bất động sản, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, định hướng chiến lược tài chính dài hạn cho Tổng công ty…

Đâu sẽ là những lợi thế của Vinaconex thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư? Theo phân tích, Vinaconex là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như: thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, đặc biệt hơn, Vinaconex hiện sở hữu khá nhiều công ty còn mạnh chuyên về xây dựng; và có trong tay những dự án tốt, tên tuổi.  

 “Sau thời gian tái cấu trúc thành công, Vinaconex đang sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư mới để thực hiện chiến lược đầu tư mới. Phiên đấu giá Vinaconex sẽ được giới đầu tư quan tâm, đặc biệt khi SCIC quyết định bán hết tất tay hơn 50% cổ phần. Chính điều này có thể khiến  Vinaconex trở nên hấp dẫn lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư cả nội, lẫn ngoại vốn dĩ có tiền”, một chuyên gia hiểu sâu về thị trường phân tích. 

Theo giới phân tích, thương vụ thoái vốn của SCIC tại Vinaconex lần này nếu hội tụ đủ 3 yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là điều mong đợi. Còn nếu không, với những bước đi bàn bản và tính toán thận trọng, cơ hội thành công cũng đã nhìn thầy lấp ló  “Hiện  đã thấy một vài sự quan tâm tích cực. Lần này nếu SCIC thoái vốn bán hết được 57,71% cổ phần dự kiến, thì  Nhà nước sẽ thu về khoản tiền lớn tới hơn 5,000 tỷ đồng”, giới phân tích khẳng định. 

Số liệu của UBCKNN, năm 2017, Vinaconex tiếp tục là đơn vị có mức tăng trưởng cao, xếp thứ 16 trong TOP 30 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1000 tỷ đồng. Còn bản công bố thông tin bán một phần vốn nhà nước của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại Vinaconex được ban hành tháng 11/2017, tổng quỹ đất Vinaconex hiện đang quản lý là 3,2 triệu m2, trong đó đất được giao là 132 nghìn m2 và hơn 3 triệu m2 đất thuê. Đại diện SCIC cho biết:  tại bản cáo bạch công bố thông tin bán vốn Nhà nước tại Vinaconex 2018 , toàn bộ các giá trị của doanh nghiệp này đã được tính đúng, tính đủ theo tiêu chuẩn thẩm định giá, tư vấn thẩm  định giá làm, không thiếu bất cứ quy định nào trong nghị định 32 về thoái vốn Nhà nước.