Thiết bị lạ trên tai động vật hoang dã dùng nguồn điện vô tận

Một số du khách đến công viên quốc gia Kruger (Nam Phi) phát hiện một thiết bị lạ trên tai động vật hoang dã như linh dương và tê giác.

Theo dõi động vật hoang dã rất quan trọng đối với nghiên cứu khoa học, bởi qua đó giúp con người hiểu rõ hơn về hành vi của động vật và tìm ra cách đảm bảo sự sống còn liên tục của chúng, đặc biệt là ở những khu vực hạn chế như công viên quốc gia. Các công nghệ theo dõi mới, tiên tiến hơn có thể giúp chủ động bảo vệ các loài dễ bị săn trộm, hoặc các mối đe dọa tức thời khác.

Trong nhiều năm, Công viên quốc gia Kruger (SANParks) và các nhà nghiên cứu động vật hoang dã sử dụng vòng cổ cồng kềnh gắn GPS để theo dõi vị trí của động vật. Tuy nhiên, những chiếc vòng cổ này có một số nhược điểm và không phù hợp để sử dụng cho tất cả các loài động vật.

Do gắn GPS nên những vòng cổ này tiêu thụ rất nhiều điện năng, trong khi dữ liệu chỉ có thể tải xuống khi con vật bị bắt giữ và gây mê.

Thiết bị theo dõi bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: MBB

Để xác định vị trí của con vật, vòng cổ phát ra tín hiệu vô tuyến VHF. Việc tìm vòng cổ vẫn là một thách thức lớn đối với các loài động vật như báo hoa mai, loài có lãnh thổ rộng lớn.

Các vòng cổ khác có thể truyền vị trí của động vật tới vệ tinh sau mỗi vài giờ, thường là trên mạng Iridium, dữ liệu sẽ được truyền tới máy chủ trên mặt đất. Điều này cho phép theo dõi từ xa nhưng tốn nhiều điện năng hơn. Bộ pin trong những vòng cổ này có thể dùng được trong nhiều năm, nhưng lại lớn và cồng kềnh, chỉ phù hợp với những loài động vật lớn.

Những năm gần đây, công nghệ mở ra những khả năng mới cho các thiết bị nhỏ gọn và hữu ích hơn như Apple AirTags, Galaxy SmartTags hoặc Tile sử dụng Bluetooth và giao tiếp băng tần siêu rộng để truyền vị trí, thay vì GPS. Các thiết bị này đảm bảo pin có thể kéo dài trong nhiều tháng đến nhiều năm, nhưng chỉ hiệu quả ở những khu vực có nhiều thiết bị hỗ trợ Bluetooth.

Bằng cách sử dụng các tấm pin mặt trời nhỏ, Ceres và GSatSolar là hai công ty tạo ra các thiết bị theo dõi mới nhỏ gọn không cần pin lớn. Các thiết bị này ban đầu được sản xuất để theo dõi gia súc và các tài sản di động khác.

Thiết bị tối ưu có thể tự sạc và dễ gắn trên động vật hoang dã. Ảnh: MBB

Ceres cung cấp 3 thiết bị theo dõi nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời gồm Ceres Ranch, Ceres Trace và Ceres Wild. Trong đó, Ranch có khả năng tích hợp trực tiếp đến vệ tinh, với tối đa 4 lần cập nhật vị trí mỗi ngày. Trace hỗ trợ các mạng vệ tinh quỹ đạo thấp mới hơn, với cùng số lần ping hàng ngày. Ceres Wild có khả năng truyền trực tiếp đến vệ tinh và 24 ping vị trí mỗi ngày.

Theo GSat, thiết bị theo dõi có thể cung cấp tới 12 ping vị trí đến mạng vệ tinh Iridium, một ngày sạc năng lượng mặt trời cho pin 150Ah. Mặc dù mảng tấm pin mặt trời nhỏ chỉ tạo ra tối đa 0,125w điện.

Do nhỏ gọn nên các thiết bị này gắn vào động vật mà không gây căng thẳng. Ceres Wild chỉ nặng 35g và dài 62mm, rộng 36mm và dày 37mm. GSatSolar nặng khoảng 31g, bao gồm phần để gắn vào tai động vật.

SANParks bắt đầu thử nghiệm thẻ tai GPS được cung cấp năng lượng bởi các tấm pin mặt trời mini, để theo dõi vị trí của động vật hoang dã. Nhờ gắn thiết bị theo dõi vào tai của động vật, các nhà nghiên cứu và nhân viên bảo vệ động vật hoang dã có thể nhận được gấp đôi số lần ping vị trí mà không bị mất thêm pin.

Phát triển điện mặt trời và nông nghiệp (Agri-PV) đang là giải pháp khả thi, đôi bên cùng có lợi. Dự án Agri-PV lớn nhất Đức đang thí điểm thả 1.500 con gà, trồng rau,... trong trang trại điện mặt trời.

Ở trên núi cao xa xôi, cần sạc điện thoại di động, những người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách có điện. Họ buộc tấm pin năng lượng mặt trời vào những con lừa.

Không chỉ cừu, lợn cũng được đưa vào các trang trại điện mặt trời để dọn cỏ xung quanh các tấm pin quang điện.

(Theo MBB)

Theo Vietnamnet