Thị trường Mỹ thiếu thịt, xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng

TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các nhà máy chế biến thịt phải duy trì hoạt động để bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia ngay cả khi nhiều công nhân qua đời vì nhiễm COVID-19. 
Một nông dân nuôi lợn ở Iowa, Mỹ

Tuy nhiên, các nhà máy trong thực tế lại gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc trong khi người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, một phân tích của Reuters về dữ liệu chính phủ cho thấy.

Ông Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 vào ngày 28/4 để buộc các nhà máy chế biến phải mở cửa. Nay ông đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ một số nhà lập pháp, người tiêu dùng và nhân viên nhà máy vì đã khiến công nhân gặp rủi ro một phần để giúp đảm bảo nguồn cung thịt cho Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước vào thời điểm này”, ông Mike Naig, người phụ trách nông nghiệp tại bang sản xuất thịt lợn hàng đầu của Mỹ là Iowa.

Các nhà chế biến thực phẩm ở Mỹ,  bao gồm Công ty thực phẩm Smithfield, thuộc sở hữu của tập đoàn WH Group Ltd (Trung Quốc), JBS USA thuộc sở hữu của Brazil  và Tyson Foods Inc đã đóng cửa tạm thời khoảng 20 nhà máy thịt ở Mỹ vì virus corona khiến hàng ngàn nhân viên bị nhiễm bệnh, khiến các nhà đóng gói thịt và cửa hàng tạp hóa phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng khan hiếm hàng hóa. Một số nhà máy đã hoạt động trở lại nhưng ở mức độ hạn chế vì công nhân sợ bị ốm phải ở nhà.

Sự gián đoạn dẫn đến số lượng thịt giảm 30% trong các siêu thị vào cuối tháng 5, giá cao hơn 20% so với năm ngoái, theo Will Sawyer, nhà kinh tế hàng đầu tại ngân hàng nông nghiệp CoBank.

Trong khi nguồn cung thịt lợn thắt chặt khi số lượng lợn giết mổ mỗi ngày giảm khoảng 40% kể từ giữa tháng 3, các chuyến hàng thịt lợn Mỹ đến Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Công ty Smithfield, được tập đoàn WH Group mua lại với giá 4,7 tỷ USD vào năm 2013, là nhà xuất khẩu thịt lớn nhất từ Mỹ sang Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, theo Panjiva, một bộ phận của công ty tư vấn thị trường S & P Global Market Intelligence. Smithfield đã vận chuyển ít nhất 13.680 tấn thịt bằng đường biển vào tháng 3, Panjiva trích dẫn dữ liệu gần đây nhất của  họ cho biết.

Smithfield, nhà chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới, cho biết hồi tháng 4 rằng việc đóng cửa nhà máy ở Mỹ đang đẩy các nhà bán lẻ liên tục vào tình trạng căng thẳng nguồn cung.

Công ty hiện đang củng cố lại nhà máy sản xuất thịt lợn ở Smithfield, Virginia, để cung cấp thịt lợn tươi, thịt xông khói và giăm bông cho nhiều người tiêu dùng Mỹ hơn, theo một tuyên bố. Động thái này là một cú “quay 180 độ” sau khi công ty cấu  trúc lại nhà máy vào năm ngoái để tập trung sản xuất phục vụ thị trường Trung Quốc, các nguồn tin trong ngành nói với Reuters.